
Kính màu được nhận định là một trong những phương tiện đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo nhất cho các thế hệ nghệ nhân và nghệ sĩ, là chất liệu không thể thiếu để làm nên vẻ đẹp tráng lệ, lung linh, huyền ảo cho nghệ thuật kiến trúc, từ cổ điển đến đương đại. Màu sắc cùng tạo hình của thủy tinh là hai ngôn ngữ chính của nghệ thuật thủy tinh và kính màu.



Số lượng bảo tàng chuyên về kính màu và nghệ thuật kính màu chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hệ thống bảo tàng thế giới. Trong bối cảnh đó, việc mở ra một bảo tàng chuyên về nghệ thuật kính màu ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần làm đa dạng hóa lĩnh vực bảo tồn và bảo tàng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Bảo tàng Nghệ thuật Kính màu (tên tiếng Anh: Art Glass Museum, gọi tắt là Bảo tàng Kính màu) tại Trại Da Vinci được hình thành nhằm tạo nên một điểm nhấn văn hóa độc đáo, mới mẻ, có sức hấp dẫn, đem lại nhiều cảm hứng và những giá trị bổ ích. Công chúng và giới mộ điệu có thể tìm đến nơi này, như một địa chỉ tin cậy cung cấp kiến thức về kính màu và nghệ thuật kính màu.




Một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua của bảo tàng chính là bộ sưu tập đèn Tiffany cổ, được xem là những kiệt tác thủ công đỉnh cao của nghệ thuật kính màu.
Do các nghệ nhân tài hoa chế tác theo phong cách đặc trưng của Louis Comfort Tiffany (nghệ sĩ và nhà thiết kế nội thất nổi tiếng người Mỹ, có vô số tác phẩm được xem là biểu tượng của trào lưu Art Nouveau), mỗi chiếc đèn đều là hiện thân của sự sáng tạo, đẹp thanh lịch, tinh tế, vừa mang giá trị nghệ thuật vừa mang giá trị lịch sử.

Bộ sưu tập đèn Tiffany đẳng cấp đã mang đến cho công chúng Việt Nam cơ hội hiếm hoi được tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm kinh điển trong lịch sử nghệ thuật kính màu thế giới. Bảo tàng Kính màu được hình thành trên cơ sở bộ sưu tập hơn 1.000 hiện vật nghệ thuật thủy tinh và kính màu có giá trị do ông Nguyễn Xuân Thắng, người sáng lập, công phu sưu tầm trong gần bốn thập niên ở nước ngoài, hoặc thông qua đấu giá trên các sàn quốc tế, hay đặt các nghệ nhân hàng đầu thế giới chế tác dựa theo các nguyên bản duy nhất của các bảo tàng.

Giá trị của các hiện vật phụ thuộc vào mức độ hiếm hoi và kích thước. Hơn 1.000 hiện vật tương đương hơn 1.000 câu chuyện riêng, gắn liền với sự ra đời, quá trình tìm kiếm và đấu giá, hành trình vòng quanh thế giới, cuối cùng đã an toàn về đến Việt Nam.