Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết, hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị: có giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng rất cao, hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may và đem lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành: Lũy kế đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.
Đặc biệt, có sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất và sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.
Ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...
“Với mục tiêu là bảo tồn và phát triển hoa sen trên địa bàn TP Hà Nội, Hội thảo hôm nay với mong muốn tập trung vào báo cáo và thảo luận 1 số nội dung chính sau: Đánh giá thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội; bảo tồn phát triển sen Tây Hồ trong hệ sinh thái sen Việt Nam; Kinh nghiệm khai thác giá trị kinh tế sen gắn với văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố; Thúc đẩy phát triển các làng nghề có sản phẩm từ sen; và trao đổi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm từ sen của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội nhấn mạnh.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, nghệ nhân Lưu Thị Hiền (Trà sen Hiền Xiêm) cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để gìn giữ làng nghề, được tham gia các sự kiện lớn, các hội chợ kết nối giao thương với các quận, huyện, tỉnh thành. Đặc biệt, được thành phố và quận luôn quan tâm để chúng tôi được tham gia các gian hàng giới thiệu các sản phẩm và được tham gia Chương trình OCOP của quận và Thành phố. Đến nay, thương hiệu “Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt” của chúng tôi đã được công nhận từ năm 2013 tiếp tục được phát triển với thương hiệu trà sen Hiền Xiêm là đại diện duy nhất đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Sản phẩm Trà sen Hiền Xiêm đã được lựa chọn, cho phép phục vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Thủ đô Hà Nội năm 2019 và được lựa chọn để phục vụ tiệc trà tiếp đón Phu nhân TBT Trung Quốc bà Bành Lệ Viên tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân chuyến thăm của Chủ tịch và Phu Nhân tới Việt Nam năm 2023. Ngoài sản phẩm ướp sen truyền thống, chúng tôi còn ướp chè bông trước đây phải bảo quản trong ngăn đá và hiện nay đã sấy thăng hoa mang đi khắp nơi được nhiều người thưởng thức”.
“Trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi - những người dân trực tiếp làm nghề truyền thống tại địa phương tiếp tục được tham gia trồng sen Bách Diệp tại tất cả các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, tiếp tục được quan tâm hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật và được phổ biến những kinh nghiệm, những công nghệ mới tiên tiến trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen; Đồng thời tạo điều kiện để gia đình tôi có thể là địa điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm trà sen Tây Hồ để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương”, nghệ nhân Lưu Thị Hiền nhấn mạnh.
Nói về sự phát triển ngành tơ sen góp phần bảo tồn và phát triển giá trị cây sen Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, giám đốc công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho hay, từ ngàn đời nay, cây sen và hoa sen đã ăn sâu vào tâm trí, cuộc sống và tồn tại trong lòng của mỗi người dân đất Việt, một biểu tượng của sự linh thiêng, trường tồn và luôn được trân trọng. Hình ảnh của cây sen, hoa sen được kết hợp với hình ảnh của những chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam và luôn được phụ nữ khắp năm châu ngưỡng mộ và trân quý.
“Năm 2020 tôi đã nghiên cứu thành công và đi vào sản xuất đem lại hiệu quả cao từ trồng và chế biến sợi tơ sen. Kết luận cuối cùng và cũng là kết quả nghiên cứu của tôi là: “Muốn có tơ sen tốt và đẹp, giá cả cạnh tranh thì phải có nguyên liệu tốt (cọng sen), muốn có nguyên liệu tốt thì phải hoàn thiện quy trình trồng sen thật tốt” bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện bổ sung một số nội dung hỗ trợ đó là quản lý tốt, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật se tơ sen và bổ sung một số chất phụ gia hữu cơ để làm cho sợi tơ sen mềm mại, mịn, mát, sáng bóng”, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận cho biết.
Theo bà Thuận, ở Việt Nam có rất nhiều loại sen đã được trồng; tùy theo mục đích sử dung mà người ta trồng giống sen khác nhau, trên những chân đất khác nhau. Bà Thuận lấy ví dụ với mục đích trồng sen lấy củ thì nhập giống sen của Nhật Bản; giống sen này cho năng suất và chất lượng củ rất cao; thường trồng ở vùng đất trồng lúa, mực nước trên ruộng từ 20 – 35cm là tốt nhất. Nếu trồng sen lấy hoa, hạt, người ta trồng giống sen quê ( giống sen bản địa); có người trồng sen trắng để thu hoạch hoa bán giá cao. Còn trồng sen lấy hạt thường trồng giống: Sen đỏ, sen mun, sen diệp, sen phương nam, sen thái… hiện nay có nhiều giống sen cao sản.
“Đối với giải pháp này tôi đã nghiên cứu sản xuất tơ sen từ cọng lá, cọng hoa, cọng gương của cây sen, chứ không chỉ đơn thuần chế biến sen từ cọng lá như đề tài đã nêu, nên tôi nghiên cứu trồng giống sen truyền thống của địa phương. Giống sen này thường trồng ở vùng đất trũng, nước ngập sâu từ 60 – 100cm. giống sen này cho thu hoạch cọng lá, cọng hoa, cọng gương rất tốt”, bà Thuận nhấn mạnh.
Bà Thuận cho rằng đây là một nghề mới tạo ra 1 sản phẩm tơ sen có giá trị kinh tế rất cao, quy trình sản xuất được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, thu gom rác thải, xử lý triệt để; rất thân thiện môi trường, và tạo cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững góp phần bảo tồn và phát triển cây sen Việt Nam.