Chiêm ngưỡng hình ảnh Việt Nam giai đoạn 1930 - 1940 qua lăng kính của nhiếp ảnh gia nước ngoài

Ngày 17/4, hướng đến kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ukraina, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Ukraina tại Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm "Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ".

Triển lãm giới thiệu 55 tư liệu, hình ảnh được chụp và chia sẻ qua lăng kính của Sofia Yablonska, nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim chuyên về đề tài du lịch người Ukraina. Thông qua triển lãm, công chúng sẽ đến với một hành trình ngược dòng quá khứ, tìm hiểu về những khoảnh khắc cuộc sống, phong cảnh và con người Việt Nam trong giai đoạn 1930 – 1940, mang tới những hiểu biết và cảm xúc sâu sắc về một thời kỳ lịch sử cách đây gần một thế kỷ.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Phát biểu tại triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, những bức ảnh tại triển lãm "Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ" dẫn dắt công chúng theo chân tác giả trong hành trình khám phá vùng đất Việt Nam, nơi bà và gia đình đã dành tình cảm sâu sắc trong 10 năm sinh sống.

Với góc nhìn tinh tế và trân trọng, mỗi nơi bà Sofia Yablonska đặt chân đến trên đất nước Việt Nam đều được ghi lại bằng ngôn ngữ hình ảnh và những cảm xúc cá nhân về lịch sử, văn hóa và con người. Đó là những hình ảnh sinh động về phong cảnh Việt Nam ở các vùng quê, gắn với cuộc sống đời thường bình dị của người dân, đặc biệt ở các vùng xa xôi nơi dân tộc Dao, Thái, Mông, Khơ-me cư trú đã càng cho thấy sự thân thiện, mến khách cùng nền văn hóa đa dạng sắc màu đã làm nên nét quyến rũ của Việt Nam. Qua đó, triển lãm càng cho chúng ta thấy tự hào về mảnh đất và con người Việt Nam đã níu giữ tâm hồn và tình cảm rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài trong đó có tác giả Sofia Yablonska".

Không gian trưng bày tác phẩm

"Sofia Yablonska là một tác giả, một người phụ nữ với nghị lực phi thường, với trái tim nhân văn cùng tâm hồn nhạy cảm đã thực hiện hành trình đi khắp đất nước Việt Nam để ghi lại những ký ức lịch sử tuyệt vời để chúng ta ngày hôm nay có cơ hội lắng nghe và cảm nhận về một hành trình xuyên thế kỷ. Điều này làm tôi nhớ đến những nữ nghệ sĩ Việt Nam cũng với tài năng và tình yêu quê hương đất nước đã ca ngợi con người và mảnh đất này theo những cách riêng đặc biệt như các nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh, Xuân Quỳnh,..." - bà Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh.

Chia sẻ cuộc đời và sự nghiệp Sofia Yablonska, Đại sứ Ukraina Gaman Oleksandr nhận xét, tác giả không chỉ là một du khách can đảm dám đi du lịch đến những vùng đất mới mà còn tự mình đi khắp thế giới khi còn rất trẻ. Ngoài việc là một nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà báo, người mẫu và đạo diễn phim tài liệu tài năng, bà còn là một người Ukraina quan tâm sâu sắc đến quan điểm và tiếng nói của phụ nữ. Bà đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình hành vi mới cho phụ nữ, khuyến khích họ ước mơ và hành động.

Diện mạo của Hoàng thành Thăng Long cách đây gần một thế kỷ

Quảng cáo

"Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, giữ một vị trí quan trọng trong những chuyến đi, cuộc đời và trái tim của bà, Bà bị thu hút bởi sự bao la và vẻ đẹp của dòng sông Mê Kông, sự huy hoàng và cung điện ở Huế, và cái mà bà trìu mến gọi là "Hà Nội bâng khuâng". Và Việt Nam trở thành địa chỉ thường trú của Sofia, nơi bà trở về sau những chuyến du lịch ngắn. Bà thích dành thời gian ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, hòa mình vào văn hóa và phong tục địa phương, gợi nhớ về dãy núi Carpathian thân yêu ở quê nhà" - Đại sứ Ukraina nói.

Đến với triển lãm, những bức ảnh dẫn dắt công chúng theo chân Sofia Yablonska trong hành trình khám phá vùng đất Việt Nam, nơi bà và gia đình đã dành tình cảm sâu sắc trong 10 năm sinh sống. Chúng ta dễ dàng bắt gặp khung cảnh về cuộc sống nông thôn với những cánh đồng trải dài tít tắp và con người cần cù lao động, danh thắng Vịnh Hạ Long với sự hoang sơ kỳ vĩ hay vừa lạ vừa quen với không gian của Hoàng Thành Thăng Long, Cầu Long Biên, Hồ Hoàn Kiếm. Sự đa dạng văn hóa các dân tộc cũng được Sofia Yablonska ghi lại qua vẻ đẹp của phụ nữ Thái, Mông, Dao Tiền và người Hà Nội xưa…

Hình ảnh phụ nữ người Dao

Bên cạnh những bức hình đen trắng, triển lãm còn khám phá chiều sâu cảm xúc của tác giả Sophia Yablonska với cảnh vật và con người Việt Nam qua những dòng chia sẻ trích từ cuốn nhật ký "Phương trời xa xôi" được bà ghi lại trong thời gian trải nghiệm nơi đây.

Với Sophia, Việt Nam hiện lên như một xử sở diệu kỳ, đầy lôi cuốn để khám phá: "Một vùng đất lạ! Có quá nhiều vẻ đẹp không thể tiếp cận, bị cấm đoán trong đó!"; "Vài ngày sau, tôi rời vùng núi đó và đến thăm hai dân tộc Mèo và Mảng. Họ có ngôn ngữ, trang phục và phong tục khá khác biệt và thú vị so với cư dân vùng đồng bằng… Sống cùng họ, tôi có mọi thứ theo ý mình. Người Mèo mang gạo, cá, thịt thú rừng và rau đến nhà tôi, đến giúp tôi làm việc, mang ngựa đóng yên và chỉ cho tôi đường đi qua những ngọn núi hoang sơ kỳ thú…"

Hình ảnh đời thường người Việt Nam

Đến tham quan triển lãm, ông Nguyễn Khắc Mai (Hà Nội) bày tỏ sự xúc động khi chiêm ngưỡng các tác phẩm. Thông qua các bức ảnh, ông có thể hình dung được Hà Nội từ những năm tháng còn chưa ra đời.

"Việt Nam thời kỳ xưa là một đất nước hiền lành, cảnh quan nên thơ cùng những con người bình dị, chất phác. Phải cảm ơn người nghệ sĩ đa tài Sofia Yablonska vì đã lưu giữ lại những bức ảnh này, thì công chúng Việt Nam ngày nay mới có dịp được chiêm ngưỡng" - ông Nguyễn Khắc Mai bày tỏ.

Triển lãm "Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ" sẽ mở cửa phục vụ công chúng tham quan đến hết ngày 30/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội../.

Theo toquoc.vn Copy