Những chuyến tàu Bắc Nam không chỉ chở hành khách mà còn chuyên chở bốn mùa, những cuộc chia ly, gặp gỡ và rất nhiều ký ức.
_________________
Quán “Ga Đông Dương” sáng nay nhộn nhịp, khách đợi tàu vừa nhâm nhi cà phê vừa háo hức chờ khoảnh khắc đoàn tàu chạy đến. Nhiều người đến đây chỉ để ngắm tàu lướt qua, như Liên và An trong “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, chờ nghe tiếng còi vọng giữa lòng phố. Nhưng với ông Nguyễn Đình Dũng, người soát vé tàu hỏa đã gắn gần 40 năm đời mình với những đường ray, con tàu không phải khoảnh khắc lướt qua mà là một phần đời.
“36 năm đấy, cả một cuộc đời”, ông cười, đôi mắt ánh lên những ký ức xa xăm. “Một đứa nhóc 17 tuổi, vừa xuống khỏi lưng trâu là bước lên tàu”. Với ông, những con tàu không chỉ là phương tiện di chuyển, mà là thanh xuân, là chứng nhân của bao đổi thay.
Ông kể về khoảnh khắc đặc biệt nhất trong những năm tháng đi tàu. Vào thời khắc Giao thừa bước sang thế kỷ 21, ông đang trên chuyến tàu ngang qua Nha Trang. Đúng 0h, hai đoàn tàu Nam Bắc ngược chiều gặp nhau, ánh đèn lóe sáng, hành khách và nhân viên hai tàu vẫy tay chào trong khoảnh khắc lịch sử.
![]() |
“Như một lời ông Xuân gửi qua đường ray,” ông nói, giọng đầy hoài niệm. Đêm ấy, biển Nha Trang lấp lánh ánh đèn, không khí giao thừa dường như cũng lan tỏa khắp từng toa tàu, cùng những tràng pháo hoa từ xa vọng lại. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ trong đời làm tàu của ông.
Nếu người nông dân có vụ chiêm, vụ mùa, thì nghề chạy tàu cũng có “vụ Tết, vụ hè”. Hai thời điểm ấy, sân ga lúc nào cũng nhộn nhịp, như thể nhịp sống của đường ray cũng bám theo mùa mà xoay chuyển. Giáp Tết, người xa quê lỉnh kỉnh hành lý lên tàu về nhà, chuyến tàu nào cũng chật ních như phiên chợ cuối năm. Hết Tết, tàu lại tiễn những vị khách ngậm ngùi rời quê, mang theo dư vị đoàn viên. Rồi sang hè, sân ga lại rộn ràng tiếng cười nói của học sinh, gia đình háo hức lên đường du lịch. Năm này qua năm khác, không khí ấy, cảm giác ấy gần như chẳng đổi thay.
Mùa Xuân với người Hà Nội còn gắn liền với những chuyến đi lễ chùa Hương kéo dài tận ba tháng. Người ta đi lễ không chỉ để cầu may, cầu duyên mà còn để tìm bình yên giữa núi non trùng điệp. Mỗi lần tàu cập bến Hà Nội vào độ tháng Giêng, khách trên tàu lại xôn xao rủ nhau xuống ga, bắt xe về Mỹ Đức đi lễ chùa Hương. Có cụ già dặn con cháu cách khấn vái, có đôi vợ chồng trẻ háo hức với chuyến du xuân đầu tiên cùng nhau. Ông bảo: “Những ngày này, tàu đông lắm, nhân viên cũng vất vả hơn, nhưng ai cũng vui. Khách đi chùa mà, ai cũng mang theo tâm thế an lành.”
![]() |
Tàu hỏa có thể không nhanh và tiện như máy bay, nhưng mang đến nhiều trải nghiệm. Gần 40 năm xuôi ngược trên những chuyến tàu Bắc Nam, ông Dũng không chỉ thuộc từng cung đường, từng khúc cua mà còn quen với hương vị của mỗi miền đất. Dừng chân ở Thanh Hóa, bữa cơm dân dã với canh đắng, mắm tép còn giữ nguyên vị thanh nhẹ. Qua Nghệ An, Hà Tĩnh, cái vị đậm đà của nhút mít, tương Nam Đàn đã bắt đầu nồng hơn. Đến Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, món nào cũng thoảng mùi ruốc, ớt đỏ cay xè, như nắng miền Trung hắt lên từ đường ray bỏng rát. Ông cười bảo: “Hương vị đồ ăn từ Bắc đi vào chính là cay dần đều đấy, không phải ai cũng nhận ra đâu.”
![]() |
Ông Dũng đã trải qua đủ mọi công việc trên tàu, từ soát vé, trải chăn ga, vệ sinh toa tàu, đến trực tai nạn. Những ngày đầu vào nghề năm 1980, ông còn làm trên những chuyến tàu hơi nước, thời mà điện đóm còn chưa có, chỉ có một chiếc đèn bão treo giữa toa, ánh sáng leo lét soi mờ từng hàng ghế. Nhà vệ sinh tắc nghẽn, hành khách còn phải xuống mỗi ga để mua nước rửa mặt, đánh răng. Mãi đến những năm 90, ngành đường sắt mới có cải cách đáng kể. “Giờ thì khác rồi,” ông nói, mắt ánh lên niềm tự hào. “Tàu có điều hòa, giường nằm êm ái, nhà vệ sinh tự hoại sạch sẽ. Đời sống khá hơn, tàu cũng đổi khác, không còn cảnh chen chúc như xưa.”
![]() |
Ông nhớ những ngày chạy tàu qua “đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”, lời ca trong “Tàu anh qua núi” như tiếng vọng của một thời trai trẻ, khi những chuyến tàu còn mang hơi thở của đầu kéo hơi nước. Ngày ấy, mỗi lần tàu lên đèo, khói than bốc lên nghi ngút, hòa vào mây trời, tạo thành một dải sương mờ quấn lấy vách núi. Anh em nhân viên tàu tranh thủ đặt cặp lồng cơm vào chỗ xì hơi, thức ăn nóng hổi, ăn ngon lành. Bây giờ, tàu đầu kéo chạy phăm phăm qua Hải Vân, không còn tiếng phì phò của hơi nước, không còn làn khói quấn quanh đỉnh núi. Chuyến tàu đổi khác, nhưng những ký ức và câu hát ngày nào vẫn còn đó, len lỏi giữa những toa tàu lăn bánh.
![]() |
“Có những người trẻ vào Nam làm ăn, rồi sau này lại đưa cả gia đình về Bắc thăm quê. Lặp đi lặp lại trên những chuyến tàu”. Ông kể, bản thân đã chứng kiến biết bao câu chuyện đời - những cuộc chia tay đẫm nước mắt, những hành trình mới đầy hy vọng, những nhân duyên diệu kỳ.
Với ông Dũng, mỗi chuyến tàu là một mảnh ghép ký ức. Rồi sẽ có những người trẻ như chàng trai 17 tuổi năm nào, lần đầu khoác lên mình bộ đồng phục ngành đường sắt, bước lên con tàu với cả một hành trình phía trước. Mùa xuân năm nay, tàu vẫn xuôi về Nam, ngược ra Bắc, kể tiếp những câu chuyện không bao giờ cũ trên đường ray.