GỘT RỬA GIỮA NGÀN XANH
Nhiều khi ngồi ngột ngạt giữa một vùng chật hẹp, đầy những vách ngăn ngang dọc chia chặt không gian, thấy mình như bị giam hãm. Những ngón tay mơ hồ lướt trên bàn phím, chợt nảy lên lời rap của Đen Vâu: “Đi vào rừng một mình không có rủ ai. Ngực no mùi đất mẹ làm con đủ high”. Ừ nhỉ, sao lại còn ngồi đây, gói ghém mớ bộn bề mà đi tắm rừng thôi…
Thôi hãy tạm buông bỏ những dục vọng mỏi mòn, không theo được bước chân hành giả thì cũng tự tìm cho mình một chốn rừng xanh núi thẳm để tự giải thoát khỏi thực cảnh. Những cánh rừng vắng vẻ từ Bắc chí Nam vẫn rộng lòng đón bước chân của ta đó thôi.
Đi “chữa lành” thân tâm
Tắm rừng là một khái niệm vẫn còn hoang vu ở Việt Nam nhưng đã sớm gieo trong lòng những hành giả yêu thích tự do và tĩnh vắng. Khái niệm này khởi sinh trong thập niên 1980 trong nhu cầu về với thiên nhiên, rừng núi, cây cỏ của người Nhật Bản.
Khái niệm “tắm” đem lại sự mát mẻ, tẩy rửa, làm mới lại thể xác và tâm hồn. Tuy nhiên, thứ vật chất dùng để tắm không phải là nước mà bầu không khí trong sạch, tràn đầy dưỡng khí tự nhiên của rừng. Màu xanh, tiếng xào xạc gió qua tán lá, khí oxy thoát thai từ cây cỏ, suối khe sẽ bao trùm lấy con người, xâm chiếm mọi giác quan từ mắt, mũi, tai, miệng, lưỡi để phế phủ chìm đắm trong thiên nhiên tươi mát.
Bác sĩ Qing Li người Nhật, tác giả của cuốn sách Tắm Rừng: Cách Tìm Thấy Sức Khỏe Và Hạnh Phúc Từ Cây Cối, đã viết: “Con người thành thị hiện đại dành tới 93% thời gian để sống trong không gian kín, chật chội. Điều này làm nảy sinh chứng rối loạn thiếu ‘vitamin thiên nhiên’, dẫn đến cảm xúc tiêu cực về cuộc sống. Để chữa trị, hãy đi tắm rừng một vài giờ hay một vài ngày”.
Những kết quả nghiên cứu của bác sĩ Li cũng cho thấy, việc tắm rừng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, khả năng tập trung và mức độ căng thẳng, yếu tố gây lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, huyết áp cao, căng cơ, suy yếu phản ứng miễn dịch…
Điều đó chẳng có gì cao siêu hay lạ lùng. Hãy nhớ lại cảm xúc khi đôi chân trần của ta được giải phóng khỏi giày dép để đặt lên mặt cỏ xanh rì nay lội qua con suối róc rách giữa rừng, đạp lên những thân sỏi trơn nhẵn, mịn màng. Ngay từ tiếp xúc ban đầu, ta thấy mình tràn đầy khoái cảm tự do.
Giờ đây, từng bước hành du giữa rừng già, ta được lắng nghe tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc ở trên cao hay dưới đất đen khi gió vút qua; được ngắm nhìn những tán cây xanh mướt đang rung rinh lọc những tia nắng thành một thứ bích ngọc trong suốt, vô ưu.
Cứ bơi đi trong “làn nước rừng” đó, hít căng lồng ngực bầu không khí thơm mát, để những ngón tay được chạm vào thảm rêu xanh mướt, êm như nhung hay những cội cây xù xì đầy trìu mến, rồi nhặt một chiếc lá vàng mới rụng hay nhành hoa khẽ nhú mà chào hỏi mến thương.
Dấn thêm vài bước nhỏ, đã thấy mình đứng cạnh những cội cây lão thành toả mùi thơm của tinh dầu, của thân gỗ tràn trề nhựa sống. Giẫm nhẹ bàn chân lên lớp thực bì, tự thân giải phóng cho rừng thêm mùi của sương rơi trong đêm, của lá mục đã thành tro, để thấm ý nghĩa của vòng thành-trụ-hoại-không.
Nguồn năng lượng nguyên sơ
Giá trị của việc tắm rừng nằm ở cách nó tác động đến con người. Tắm rừng có những lợi ích tương tự như thiền và chánh niệm, nhưng nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Thiền đòi hỏi sự tập trung và tĩnh lặng tuyệt đối, chánh niệm là chú tâm quán tưởng vào khoảnh khắc hiện tại, không có gì khác.
Còn tắm rừng lại cho phép con người hành xử tự nhiên với không gian, tuỳ ngộ nhi an. Chẳng phải những bậc hành giả luôn muốn được hành thiền và thực hành chánh niệm giữa rừng hay sao? Thế nên, ta cũng học hành giả lên rừng, chẳng phải để tu tập thành chánh đạo mà chỉ để có lại niềm vui giữa chốn trần thế.
Ở Việt Nam, không thiếu chốn để tắm rừng. Những cánh rừng thông mộng mơ ở xứ Măng Đen (Kontum), Pleiku (Gia Lai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) cung cấp cho những kẻ tắm rừng một không gian sức nực mùi thơm của nhựa thông, một vật chất có năng lực làm sạch không gian và cơ thể rất mạnh mẽ.
Đi lang thang trong những rừng thông xứ Tây Nguyên là một trải nghiệm rất đáng nhớ dành cho những ai yêu không gian khô ráo, bề mặt rừng mịn màng bởi được phủ bằng lá thông. Nơi đây thường khô ráo, tràn ngập một thứ mùi ấm áp, the the cay, tươi mới và sảng khoải của hương cây, hương nhựa và hương thảo.
Chìm trong một cánh rừng thông ở phố núi “má đỏ môi hồng” nhất là vào lúc giữa trưa và cuối chiều, khi mà ánh dương quang sấy đủ nhiệt để hương thơm của nhựa thông, tinh dầu trong lá và quả thông tiết ra, là được chìm đắm trong mùi của sự trong lành, tự do, hoang dã và rất thư giãn.
Cũng ở xứ Lâm Đồng, chạy qua nóc nhà của cao nguyên Lâm Viên, có một cánh rừng rất thích hợp cho việc tắm rừng của những người ưa không gian có độ ẩm cao là rừng lùn đỉnh núi ở Hòn Giao, thuộc vườn nhiệt đới quốc gia Bidoup Núi Bà. Rừng lùn chỉ gồm những cây gỗ thân thấp, mọc với mật độ dày đặc hơn kiểu rừng khác.
Tán rừng này cùng lượng mưa lớn và độ ẩm cao quanh năm đã tạo ra một quần thể rêu hùng vĩ, đa dạng gồm hơn trăm loại rêu với đầy đủ chủng loại như rêu tản, rêu thực và rêu rừng. Thảm rêu nơi đây đã tạo thành một không gian đẹp kỳ lạ, hoang đường như trong thần thoại, đến nỗi được gọi là rừng rêu.
Đi tắm rừng ở đây sẽ được chiêm ngưỡng cảnh nắng lọt qua tán lá, chiếu xuống những thảm rêu rộng cả trăm mét còn đang ngậm sương đêm tạo thành một khung cảnh lấp lánh bởi mỗi giọt móc bé nhỏ đều nhận ánh sáng rồi phát xạ lung linh đến ngợp mắt người, ngập hồn người.
Chúng bám theo từng ngọn rêu dệt thành thảm ánh sáng xanh dịu phủ kín những thân cây, hoặc rủ xuống tạo thành những lớp mành ảo ảnh. Cứ mê mẩn ngồi ngắm rêu để thấy cuộc đời này hoá ra cũng nhẹ nhõm vô cùng, để được thèm “yêu nhau giữa đám rong rêu” như Lê Uyên Phương.
Còn nếu như muốn tắm trong những cảnh rừng còn ám sắc nguyên thủy như thuở hồng hoang, hãy nhằm về những cánh rừng ở Tây Bắc Việt Nam. Rừng dưới chân đỉnh thiêng Fanxifan (Lào Cai), rừng bò qua rặng Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), rừng dọc lên đỉnh Kỳ Quan San (Lai Châu), rừng dày đặc những thân trà cổ thụ mọc giữa biển mây trên đỉnh Tà Xùa (Yên Bái), rừng thấp thoáng lá kim ở đỉnh Mẫu Sơn…
Những cung đường trekking chỉ đi theo lối của thổ dân vừa gập ghềnh, vừa khúc khuỷu, vừa cheo leo bởi chúng đều hướng lên trời cao có thể sẽ làm nản lòng những người bản lĩnh yếu. Thế nhưng, phần thưởng của những điểm tắm rừng này thật vô lượng hải hà.
Khi đã vượt qua màn thở gấp như “không có ngày mai”, vượt qua cơn hoa mắt chóng mặt của rối loạn tiền đình, vượt qua nốt những đau nhức chồn chân mỏi gối, sẽ được tưởng thưởng bằng khung cảnh diễm lệ của cõi thần tiên.
Đó là những cánh rừng nguyên sinh tràn trề năng lượng ban sơ, chỉ cần được chạm tay vào những cội gốc hàng trăm năm là lập tức lĩnh hội được nguồn năng lượng đó, khiến con người bật khóc vì hạnh phúc.
Đó là khoảnh khắc bước ra khỏi rừng già huyền bí, đặt chân lên khoảng không mênh mông, vượt lên trên tất cả, vừa phần phật nắng gió thoắt đã ngập tràn mây trắng phủ kín cõi trần như huyễn mộng. Đó là cảm giác chiến thắng sự hãi vô minh của bản thân và sự tươi tắn của một tâm hồn vừa được tái sinh.
Sau tất cả, chỉ còn đầy ắp trong thân thể này một sự biết ơn!