Hồ nước lớn nhất hành tinh đang bị thu hẹp nhanh chóng

Các nhà nghiên cứu cho biết Biển Caspi - hồ nước lớn nhất trên thế giới tính về cả diện tích và thể tích - đang bị thu hẹp nhanh chóng.

Hãng CNN mô tả vị trí trên bờ biển - nơi ông Azamat Sarsenbayev từng đứng lấy đà để bơi xuống Biển Caspi màu xanh lam - giờ đây chỉ còn là vùng đất trơ trụi, đầy đá trải dài về phía chân trời.

caspian-amo-2006263-lrg-17298267714691962746018.jpg

Biển Caspi đã thu hẹp lại kể từ giữa những năm 1990 và tốc độ biến mất ra tăng nhanh chóng kể từ năm 2005. Ảnh: NASA

Nước đã rút đi rất nhanh xung quanh vùng biển ở thành phố Aktau, Kazakhstan - nơi nhà hoạt động sinh thái Azamat Sarsenbayev đã sinh sống cả đời.

"Thật khó để chứng kiến cảnh tượng này", ông Azamat Sarsenbayev nhấn mạnh.

Cách đó hơn 1.000 dặm về phía nam, gần thành phố Rasht của Iran, nhiếp ảnh gia Khashayar Javanmardi cũng thể hiện nhiều lo lắng về tình trạng biển đang bị ô nhiễm ở đây.

"Tôi không thể bơi được nữa. Chất lượng nước đã thay đổi", ông Khashayar Javanmardi - người luôn ghi lại quá trình suy thoái của vùng biển cho biết.

Cả hai người đàn ông này đều cảm thấy gắn bó mật thiết với vùng biển này- nơi họ đã lớn lên theo năm tháng. Và giờ đây, cả hai đều bày tỏ lo sợ cho tương lai.

Biển Caspi là hồ nước lớn nhất trên thế giới tính về cả diện tích và thể tích. Diện tích mặt nước là 371.000 km² và thể tích 78.200 km³. Vì không thông với đại dương nên đây đúng là một hồ nước nhưng vẫn mang tên "biển" vì độ rộng lớn của nó. Hồ cũng được gọi là biển vì nước hồ có vị mặn của muối.

Đường bờ biển vòng cung trải dài hơn 4.000 dặm và được chia sẻ bởi 5 quốc gia: Kazakhstan, Iran, Azerbaijan, Nga và Turkmenistan.

Người dân ở các quốc gia này dựa vào vùng biển để đánh bắt cá, canh tác, du lịch và nước uống, cũng như trữ lượng dầu khí dồi dào. Biển Caspi cũng giúp điều hòa khí hậu ở khu vực khô cằn này, cung cấp lượng mưa và độ ẩm cho các nước ở khu vực Trung Á.

Nhưng vùng biển cũng đang đối mặt với rủi ro.

Việc đắp đập, khai thác quá mức, ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến vùng biển này. Một số chuyên gia cũng lo ngại rằng Biển Caspi đang rơi vào khả năng không thể phục hồi.

Trong khi biến đổi khí hậu đang làm mực nước biển toàn cầu dâng cao thì một câu chuyện khác cũng lặp lại đối với các vùng biển và hồ không giáp biển như Biển Caspi. Thông thường, nước sẽ chảy vào biển từ các con sông hoặc lượng mưa cung cấp nước cho biển, sau đó nước sẽ thoát ra qua quá trình bốc hơi. Tuy nhiên, sự cân bằng này đang thay đổi khi thế giới ấm lên, khiến nhiều hồ bị thu hẹp.

Ví dụ điển hình là Biển Aral gần đó, nằm giữa Kazakhstan và Uzbekistan, từng là một trong những hồ lớn nhất thế giới nhưng đã biến mất hoàn toàn do hoạt động khai thác của con người và cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng.

Trong nhiều năm, biển Caspi đã dao động giữa mức cao và mức thấp khi nhiệt độ dao động và các tảng băng tan chảy. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, sự thu hẹp đang tăng tốc.

Quảng cáo

Nước biển thu hẹp đáng kể

Các hoạt động của con người đóng vai trò quan trọng khi các quốc gia xây dựng hồ chứa và đập. 130 con sông cung cấp nước cho Biển Caspi, mặc dù khoảng 80% lượng nước chỉ đến từ một con sông: sông Volga, con sông dài nhất châu Âu, uốn lượn qua miền trung và miền nam nước Nga.

gettyimages-2174179192-17298291217701441791565.jpg

Thành phố cảng Aktau, Kazakhstan, nằm trên bờ biển Caspi. Ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Anadolu/Getty Images

Theo Vali Kaleji, một chuyên gia về nghiên cứu Trung Á và Kavkaz tại Đại học Tehran, Nga đã xây dựng 40 con đập và 18 con đập khác đang tiếp tục được xây dựng, làm giảm lưu lượng nước chảy vào Biển Caspi.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, làm tăng tốc độ bốc hơi nước cũng như gây ra lượng mưa thất thường hơn.

"Mực nước biển Caspi đã giảm đáng kể từ giữa những năm 1990, nhưng đã tăng tốc kể từ năm 2005, giảm khoảng 5 feet", nhà nghiên cứu Matthias Prange tại Đại học Bremen ở Đức cho biết.

Đối với các quốc gia dọc Biển Caspi, đây là một cuộc khủng hoảng. Ông Kaleji của Đại học Tehran lưu ý các ngư trường đang thu hẹp, du lịch cũng suy giảm và ngành vận tải biển sẽ chịu thiệt hại khi tàu thuyền phải chật vật để cập cảng tại các thành phố cảng nông như Aktau.

"Năm quốc gia dọc Biển Caspi cạnh tranh nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, có thể dẫn đến một cuộc chạy đua khai thác tài nguyên nhiều hơn, tạo ra các cuộc xung đột mới về trữ lượng dầu khí", ông Singarayer cho biết.

Diễn biến này cũng ảnh hưởng đến đời sống động vật hoang dã độc đáo của Biển Caspi. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm loài, bao gồm cả loài cá tầm hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, nguồn cung cấp 90% trứng cá muối trên thế giới.

Bên cạnh đó, nước rút cũng làm cạn kiệt lượng oxy ở độ sâu của biển. Điều này "có thể xóa sổ những sinh vật còn sống sót sau hàng triệu năm tiến hóa. Đó là một cuộc khủng hoảng lớn mà hầu như rất ít được chú ý", ông Singarayer nói.

Khi thế giới ấm lên, mực nước sẽ "giảm mạnh". Nghiên cứu của ông Singarayer dự đoán mực nước sẽ giảm từ 8 đến 18 mét (26 đến 59 feet) vào cuối thế kỷ này, tùy thuộc vào tốc độ thế giới cắt giảm ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.

2022-12-06t125349z-863487934-rc2c0y9ksl47-rtrmadp-3-russia-seals-1729829165627608425911.jpg

Một góc nhìn cho thấy xác hải cẩu Caspi trôi dạt vào bờ biển Caspi ở Makhachkala, Nga trong năm 2022. Ảnh: Kazbek Basayev/Reuters

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy mực nước có thể giảm tới 30 mét (98 feet) vào năm 2100.

"Ngay cả khi hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể giảm đi thì phần biển nông hơn ở phía bắc của Biển Caspi, chủ yếu xung quanh Kazakhstan, cũng sẽ biến mất hoàn toàn", ông Joy Singarayer tại Đại học Reading và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Đây cũng là một cuộc khủng hoảng đối với loài hải cẩu Caspi, một loài động vật có vú ở biển đang có nguy cơ tuyệt chủng và hiện không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất.

"Những cuộc khảo sát trên không cũng cho thấy số lượng hải cẩu đang giảm mạnh. Có rất ít giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng này", bà Assel Baimukanova, một nhà nghiên cứu tại Viện Thủy sinh học và Sinh thái học ở Kazakhstan nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Kaleji khẳng định không có quốc gia nào phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu họ không có hành động tập thể, thảm họa Biển Aral có thể sẽ lặp lại với Biển Caspi. Ông cũng nói thêm rằng hiện không có gì đảm bảo Biển Caspi "sẽ trở lại chu kỳ tự nhiên và bình thường".

Theo toquoc.vn Copy