Hokusai - điểm giao thoa giữa hai thế giới

Với những tác phẩm kinh điển của mình, Hokusai như thổi một luồng gió mới vào hội họa Nhật Bản, đồng thời ông còn được xem là một trong những họa sĩ bậc thầy kh

“Họa cuồng lão nhân” với di sản khổng lồ gần 30.000 tác phẩm

“Ông già điên cuồng vì hội họa” là “nickname” Katsushika Hokusai tự đặt cho bản thân. Cả cuộc đời ông dành trọn vẹn cho hội họa. Sinh ngày 30 tháng 10 năm 1760 tại Edo, Nhật Bản, Hokusai bắt đầu vẽ từ năm 6 tuổi và sớm thể hiện tài năng nghệ thuật của mình. Năm 18 tuổi, ông được nhận vào xưởng vẽ của một trong những đại diện chính của nghệ thuật tranh Phù thế (ukiyo-e) thời bấy giờ là Katsukawa Shunshō, khởi đầu cho con đường nghệ thuật lâu dài.

Đến năm 70 tuổi, với những kiệt tác từ loạt tranh ukiyo-e “Ba mươi sáu phong cảnh núi Phú Sĩ”, Hokusai đã nổi danh khắp Nhật Bản và sau đó, những tác phẩm này đưa ông trở thành danh họa được thế giới gọi tên.

Sau khi ông mất vào năm 1849 khi gần 90 tuổi, Hokusai đã để lại cho hậu thế một di sản nghệ thuật khổng lồ với gần 30.000 tác phẩm. Rất nhiều trong số đó được coi là kiệt tác, đặc biệt là bức ukiyo-e đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa”.

anh-1-3424.jpg

“Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” là bức tranh ukiyo-e vượt thời gian

Trong cuốn sách mang tên “Hokusai”, nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật Edmond de Goncourt - người khởi xướng giải thưởng văn học cùng tên đã không tiếc lời tụng ca tài năng của danh họa ở bức họa “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa”: “Bức vẽ gần như thần thánh này cho thấy con sóng giận dữ dâng lên bầu trời, màu xanh thẳm trong suốt của cuộn sóng và vết rách trên đỉnh rải rác thành một chuỗi giọt nước dưới dạng móng vuốt của một con vật.”

Danh họa Vincent van Gogh cũng chia sẻ cùng suy nghĩ về bức tranh trong một bức thư gửi người em trai: “Những con sóng này là những móng vuốt, con thuyền đã bị mắc vào chúng, ta có thể cảm cảm nhận được điều đó”. Van Gogh yêu thích tác phẩm này đến mức những đường nét của bức họa dường như đã in sâu vào tâm tưởng của ông, để rồi vào mùa hè năm 1889, ông đã sáng tác nên siêu phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại - bức “Đêm đầy sao” – tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole, với bầu trời sao cuộn sóng được cho là tựa như những con sóng lừng của Hokusai.

anh-2-8046.jpg

Đêm đầy sao của danh họa Van Gogh với những con sóng lừng của Hokusai

Quảng cáo

Không chỉ dừng lại ở địa hạt hội họa, bố cục ngoạn mục của “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” còn truyền cảm hứng cho bản nhạc “La mer” (Biển) của Claude Debussy và thi phẩm “Der Berg” (Ngọn núi) của Rainer Maria Rilke. Phong cách hội họa giao thoa giữa Nhật Bản và phương Tây của Hokusai trong bức tranh này chính là điều đã giúp ông thể hiện rõ hơn câu chuyện thời đại trong tác phẩm của mình và đưa tên tuổi của ông trở thành biểu tượng.

Giai điệu của sóng và điểm nhìn phương Đông

Cho đến bây giờ người ta vẫn còn phải nói rất nhiều về những thành tựu và ảnh hưởng của Hokusai không chỉ trong nền nghệ thuật Nhật Bản mà còn với lịch sử hội họa thế giới.

Mặc dù cùng thời với những họa sĩ ukiyo-e danh tiếng như Kitagawa Utamaro, Utagawa Hiroshige… nhưng Hokusai vẫn nổi bật theo một cách rất riêng. Ông đã tiến hành “một cuộc cách mạng” khi hòa trộn phong cách truyền thống ukiyo-e với phương pháp hội họa phương Tây như luật bố cục xa - gần, điểm tụ sáng - tối và phong cách tranh khắc bản in của những họa sĩ Hà Lan vào những tác phẩm hội hoạ của mình.

Bên cạnh đó, khi màu xanh Prussian (xanh Phổ) được nhập khẩu vào Nhật Bản theo các nhà buôn Hà Lan thì Hokusai cũng là một trong những họa sĩ tận dụng rất nhiều màu xanh này vào các tác phẩm của mình, từ những mảng màu phẳng thể hiện bầu trời hay sóng biển của loạt tranh 36 cảnh núi Phú Sĩ, cho đến những dòng chảy của bộ tranh thác nước hay màn đêm ma quái trong những bức tranh ma.

Những kỹ thuật và sắc màu phương Tây đã mở rộng hơn bao giờ hết sự biểu đạt qua hội họa của Hokusai, để ông có thể truyền tải trọn vẹn vào bức tranh linh hồn của cả một nền văn minh Á Đông, đặc biệt với tranh phong cảnh. Khi những tranh toàn cảnh về một địa danh nổi tiếng đang là thể loại tranh thịnh hành, thì tranh của Hokusai lại “diễn tả sự hùng vĩ của thiên nhiên để lột tả rõ hơn cuộc sống của con người, ông thực sự đã tạo ra một thể loại tranh mới. Một số tranh phong cảnh của ông đến nay vẫn là hiện thân của nước Nhật trong trí tưởng tượng của công chúng” (Trích dẫn từ cuốn Hokusai - tác giả Johann Protais, Eloi Rousseau do Phạm Lê Huy dịch).

Chiêm ngưỡng “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa”, ta sẽ thấy con người thật quá nhỏ bé khi đứng trước sự mênh mông và hùng vĩ của thiên nhiên. Đặc biệt, khối cong được tạo nên bởi con sóng khớp một cách hoàn hảo vào khoảng trống của bầu trời và vẽ ra đường viền tạo thành hai phần âm và dương. Đó cũng chính là những chiêm nghiệm rất phương Đông của Hokusai về cuộc đời: đối diện với thách thức, sóng gió bằng thái độ bình tâm, bằng con mắt điềm tĩnh nhiều chiều sâu.

anh-3-9777.jpg

Katsushika Hokusai đã mang vào những tác phẩm của mình khả năng quan sát nhạy bén, sự hoàn thiện về mặt kỹ thuật và cảm giác kết nối tinh thần sâu sắc hơn với các chủ thể

Những “giai điệu” và sự biểu đạt trong sáng tác của Hokusai chính là những hạt mầm đầu tiên hưởng sâu sắc tới các trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây sau này, từ Lập thể tới Trừu tượng. Như vậy, có thể nói rằng Hokusai đã đi trước phương Tây một bước. Ông sống ở một nước phương Đông xa xôi, phải chập chững học hỏi từ những họa phẩm Hà Lan nhập cảng vào, nhưng đã làm được những điều mà cả thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ sau ở phương Tây mới xuất hiện.

Từ phương Đông tới phương Tây, vượt qua biên giới của nước Nhật suy tàn hay đầy mong manh thời Edo, những sáng tác của Katsushika Hokusai vẫn luôn là kiệt tác để giới phê bình và công chúng phải nhắc mãi về sau. Hoặc nói như Edgar Degas: “Hokusai không chỉ là người nghệ sĩ của thế giới phù hoa như những nghệ sĩ khác. Ông là một hòn đảo, một lục địa, mình ông là cả thế giới.”

Theo ngaynay.vn Copy