Khám phá thế giới đại dương ở Viện Hải dương học

Tại thành phố biển Nha Trang có một nơi chuyên nghiên cứu, bảo tồn các sinh vật biển của Việt Nam đó chính là Viện Hải Dương học Nha Trang.

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Viện Hải Dương học Nha Trang giờ đây đã trở thành một trung tâm nghiên cứu giáo dục quan trọng về tài nguyên, sinh thái biển đảo Việt Nam và cũng là một trong những điểm đến du lịch không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến thành phố Nha Trang.

Viện Hải dương học nằm ở số 1 Cầu Đá, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; được thành lập cách đây hơn 100 năm. Viện Hải Dương học là một điểm đến nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang. Đến đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ, đặc trưng cho hệ sinh thái biển với khoảng hơn 4.000 loài sinh vật và hơn 20.000 mẫu vật được lưu trữ tại đây. Bên cạnh khu vực trưng bày tiêu bản, viện còn sở hữu các khu vực nuôi giữ, thuần hóa và bảo tồn nhiều loài sinh vật biển đa dạng và độc đáo khác.

Tại đây, trưng bày bộ xương cá voi lưng gù được khai quật ngày 8/12/1994 trong quá trình đào mương thủy lợi của người dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định). Bộ xương được tìm thấy ở độ sâu 1,2m; cách biển 4 km theo đường chim bay và có chiều dài 18m, nặng 10 tấn.

Ngay khi bước vào khu bể kính của bảo tàng, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp trước không gian tràn ngập màu sắc và lạ mắt của vô vàn các loại cá, san hô.... tạo nên một thế giới sinh vật biển phong phú và sống động.

Du khách có thể quan sát những hoạt động, thói quen, tập tính và tìm hiểu thông tin về từng loài một cách chi tiết.

Du khách thích thú ngắm những chú cá mập ở khoảng cách rất gần

Chỉ với giá vé 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/sinh viên, 10.000 đồng/học sinh là tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều bị "mê hoặc" bởi sự kỳ thú của đại dương thu nhỏ.

Tôm lạc đà có kích thước tối đa 4m, nó có khả năng thay đổi màu sắc cơ thể rất nhanh để phù hợp với sự thay đổi của môi trường như ánh sáng, nhiệt độ. Sự thay đổi màu sắc này không chỉ để ngụ y trang mà còn đóng vai trò trong quá trình giao tiếp và sinh sản.

Mỗi khu vực đều được bố trí sạch sẽ, trang trí bắt mắt, khiến du khách trong và ngoài nước phải trầm trồ ngắm nhìn. "Đây là lần đầu tiên tôi đến Viện Hải Dương học Nha Trang. Quả thực quá đẹp và kỳ thú. Tôi có thể thỏa thích ngắm nhìn những chú cá bơi lội mà không cần phải đi quá xa", du khách Lý Hương Quỳnh (Hà Nội) chia sẻ.

Du khách say sưa ngắm nhìn những con sao biển đi lại tự do.

Quảng cáo

Du khách thăm quan tại khu vực tài nguyên biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa.

Trong quá trình tham quan, du khách cũng sẽ được tìm hiểu thông tin về rạn nhân tạo. Rạn nhân tạo có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực như thu hút các loài thủy sản (cá, thân mềm, giáp xác, da gai...) đến tập trung trú ngụ, kiếm ăn, trốn tránh địch hại, sinh sản, phát triển. Đồng thời, hỗ trợ phục hồi rạn san hô bằng cách cung cấp giá thể cho san hô và rong tảo phát triển; ngăn cản việc sử dụng giã cào khai thác thủy sản ven bờ và cải tạo môi trường đáy biển...

Viện Hải dương học không chỉ là điểm đến tham quan du lịch mà còn là địa điểm giáo dục cộng đồng về hệ sinh thái biển, về tầm quan trọng của biển trong môi trường sống ở Việt Nam.

Đến với Viện Hải Dương học Nha Trang, du khách ngắm nhìn những loài cá biển nhiều màu sắc, hình dáng đẹp sinh sống ở những rạn san hô.

Viện Hải Dương học Nha Trang còn có những mẫu vật quý hiếm khác như cá tầm Trung Hoa, trai khổng lồ, cá nhám voi… khiến du khách ngạc nhiên và thích thú với những kiến thức mới lạ, hấp dẫn về môi trường biển cả rộng lớn.

Sam gai tam giác có kích thước 25-30cm (con đực) và 30-40cm (con cái). Chúng sống trong môi trường đáy cát pha bùn. Năm 1993, Viện Hải Dương học Nha Trang đã xây dựng quy trình chiết xuất hoạt tính Lysate từ máu sam dùng trong phép thử test sinh học nhằm phát hiện nội độc tố trong các đối tượng cần nghiên cứu. Nghiên cứu này đã được cấp bằng "giải pháp hữu ích" của Cục sáng chế Việt Nam.

Viện Hải Dương học Nha Trang được thành lập vào năm 1922 là “Sở Hải dương học nghề cá Đông dương”. Đến năm 1993, có tên gọi Viện Hải Dương học (Institute of Oceanography) bao gồm tất cả các cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc: viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội. Sau này 2 phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội được nâng cấp thành Viện Địa chất và Địa vật lý biển (Hà Nội) và Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Hải Phòng). Đến nay, chỉ còn duy nhất Viện Hải Dương học Nha Trang trên cả nước.

Khu hiện vật phi sinh vật là nơi sưu tập và lưu giữ những mẫu địa chất thu thập từ nhiều vùng biển khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các máy móc, thiết bị nghiên cứu biển và khí tượng qua các thời kỳ khác nhau. Đây là cơ hội quý giá để hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của ngành nghiên cứu biển trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Trong hành trình khám phá Viện Hải Dương học Nha Trang, có lẽ du khách sẽ không thể nào quên cảm giác như lạc vào thiên đường đại dương với các loài sinh vật biển rộng lớn và đa dạng. Một ngày trải nghiệm tại đây sẽ giúp cho du khách hiểu thêm phần nào về tài nguyên và sinh thái biển đảo Việt Nam.

Theo toquoc.vn Copy