Trải nghiệm đáng ghé qua
Hãng CNN dẫn tin, bao phủ trong sương mù, tạo cảm giác như đang đi qua những đám mây, cầu cạn Millau nổi tiếng đến mức có hẳn một trung tâm riêng dành cho du khách ghé thăm nơi đây. Cây cầu thậm chí có thể dễ dàng nhìn thấy từ không gian.
Cầu cạn Millau, một ví dụ hoàn hảo về kiến trúc và nghệ thuật, bắc qua thung lũng sông Tarn ở Millau, tỉnh Aveyron, miền nam nước Pháp. Cầu do kiến trúc sư người Anh Norman Foster và kỹ sư cầu đường người Pháp Michel Virlogeux thiết kế.
Đây là cây cầu từng được xem là cao nhất thế giới với ước tính khoảng 336,4m và hiện nay vẫn là cây cầu có cột tháp trụ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ngay cả những số liệu thống kê ấn tượng đó cũng không thể diễn tả hết được vẻ đẹp của cây cầu.
Không giống như những cây cầu nổi tiếng khác, thường kết nối hai điểm có độ cao tương tự, cầu cạn Millau ví như đường tàu lượn siêu tốc, chạy theo một đường bằng phẳng qua thung lũng.
Bảy trụ cầu có chiều cao từ 78 - 245m, mỗi trụ được tính đến từng milimét để tạo nên trải nghiệm hoàn hảo cho những người lái xe lướt qua thung lũng sông Tarn. Có một nhịp cầu dài 342m giữa mỗi cặp trụ cầu - đủ lớn để Tháp Eiffel có thể lọt vào khoảng trống.
Các trụ cầu được ghép nối với 7 cột thép, mỗi cột cao 87m, với 11 dây cáp treo xòe ra ở hai bên. Tất cả những điều này giúp giữ cho làn đường được ổn định. Cây cầu được xem là một công trình có độ chính xác tuyệt đối đồng thời cũng mang đến cảnh quan đẹp cho khu vực Gorges du Tarn .
Ông David Knight, Giám đốc thiết kế và kỹ thuật tại công ty Cake Industries cho biết đây là "kỳ quan của thế giới hiện đại" và là "kỳ quan kỹ thuật".
"Sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và kỹ thuật khiến bất kỳ ai nhìn thấy cây cầu cũng đều cho rằng đây là công trình thật ngoạn mục", ông Knight nói thêm.
Những người sống ở thung lũng bên dưới ngước nhìn lên với vẻ ngạc nhiên hay những người lái xe qua đây đều nhìn thấy đường cong nhẹ nhàng uốn lượn giữa cảnh quan thiên nhiên khi họ đến gần.
"Cây cầu khiến cho bất kỳ ai đi qua đây đều có cảm giác kinh ngạc", ông Knight nhấn mạnh.
Không có gì ngạc nhiên khi đối với nhiều người, lái xe qua cầu cạn xem như một trải nghiệm đáng để ghé qua.
Kiến trúc quy mô
Ông Michel Virlogeux, kỹ sư chỉ đạo nhóm thiết kế và là người đầu tiên bắt đầu công việc vào tháng 9/1987 cho biết cầu cạn Millau phải mất hai thập kỷ để lên kế hoạch.
Massif Central là một vùng cao nguyên rộng lớn nằm ở miền trung và miền nam nước Pháp. Đây là một trong những khu vực địa chất lớn nhất tại châu Âu, bao gồm hơn 15% diện tích của lãnh thổ Pháp.
Từ xa xưa, Massif Central là một vùng rất xa xôi với mọi người. Thời điểm đó, người dân thường đi lại bằng tuyến đường sắt một làn. Khu vực trung tâm của Pháp không thể phát triển do hạ tầng giao thông kém.
Vì vậy, vào những năm 1980, chính phủ Pháp đã quyết định nâng cấp mạng lưới đường bộ. Một trong những mục tiêu là giải tỏa tình trạng tắc nghẽn nổi tiếng ở con đường quanh khu vực Millau. Mỗi ngày, có tình trạng ùn tắc kéo dài khoảng 20 km ở cả hai bên thị trấn.
"Đi qua Millau từng là điểm đen giao thông đối với khách du lịch. Tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra. Hàng dài làn xe bị kẹt lại. Điều đó tạo nên hình ảnh rất tệ về khu vực của chúng tôi. Về mặt ô nhiễm thì thật kinh khủng. Và người dân địa phương mất rất nhiều thời gian để đi từ điểm này đến điểm khác", Emmanuelle Gazel, thị trưởng hiện tại của Millau cho biết.
Ông Norman Foster, Kiến trúc sư thiết kế cây cầu cho biết, khu vực này là "một thung lũng có vẻ đẹp tuyệt vời nhưng từng trở thành một trong những nút thắt cổ chai tồi tệ nhất ở Pháp".
Quyết định xây dựng một cây cầu xung quanh Millau đã được đưa ra vào tháng 9/1986. Các chuyên gia tham gia dự án này đều là các nhà địa chất, kỹ sư công nghệ địa chất, kỹ sư đường bộ và cả kỹ sư Virlogeux, người đã tham gia dự án Pont de Normandie - cây cầu cao 7.032 feet bắc qua sông Seine ở phía bắc Normandy.
Trước tình hình như vậy, kỹ sư Virlogeux hiểu rằng lựa chọn tốt nhất là thiết kế cầu dây văng. Dây cáp sẽ là cấu trúc hiệu quả nhất để chịu tải và kết cấu thêm một sàn mảnh ở giữa".
"Sự mảnh mai" là quan trọng. Đã có tranh cãi về ý tưởng xây cầu ngang qua một cảnh quan nổi tiếng. Để tránh phá hỏng cảnh quan, không gian tổng thể phải "trông rất yên tĩnh".
Chính phủ Pháp đã bắt đầu một cuộc thi thiết kế cây cầu. vào năm 1996, ông Virlogeux đứng đầu với tư cách là kỹ sư và Norman Foster từ Anh với tư cách là kiến trúc sư đã giành được quyền thiết kế.
Kiến trúc sư Foster gọi kế hoạch bắc qua thung lũng thay vì qua sông của họ là một "khái niệm triết học" giúp mang đến kiến trúc cầu khác biệt với các dự án trước đây.
Thiết kế một cây cầu với 7 trụ cầu thanh lịch trải dài trên khắp cảnh quan. Kiến trúc sư Foster gọi là "con đường mỏng đến khó tin như lưỡi dao cạo" đã vượt qua thử thách của thời gian.
"Kết nối trái tim và trí tuệ"
Cầu cạn có thể gây tranh cãi khi lần đầu tiên được đưa ra, nhưng nỗi lo lắng của người dân địa phương dần tan biến khi họ hiểu rõ dự án có ý nghĩa ra sao đến hiện tại.
"Mọi người nghĩ rằng việc tạo ra một tuyến đường mới sẽ là giảm tình trạng giao thông ùn tắc ở Millau và thị trấn sẽ trở nên vắng vẻ. Tuy nhiên, điểm đến thực sự thu hút du khách. Chỉ riêng trong năm đầu tiên, 10.000 chiếc ô tô đã dừng lại vào mỗi cuối tuần tại khu vực dịch vụ hỗ trợ du khách chỉ để ngắm cảnh", bà Gazel, Thị trưởng khu vực này cho biết.
Đáng chú ý, việc đi từ phía bắc xuống phía nam nước Pháp, và từ Bắc Âu đến Tây Ban Nha (hoặc ngược lại) trở thành một trải nghiệm dễ dàng.
Kiến trúc sư Foster cho biết ông "rất vui mừng" trước sự thay đổi suy nghĩ của người dân. Cây cầu là điểm đến không chỉ kết nối hai cao nguyên mà còn kết nối mọi người.
Ngày nay, cầu cạn "đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến khám phá Millau.
"Nhiều người đến đây vì cầu cạn và mong muốn khám phá tất cả cảnh quan của khu vực chúng tôi. Những du khách khác đang đi ngang qua và dừng lại. Millau đã trở thành điểm đến - khách du lịch chọn đến thăm Millau và họ không còn phải chịu đựng tình trạng ùn tắc giao thông khủng khiếp nữa. Vì vậy, cây cầu đã giúp cho người dân có cuộc sống nhẹ nhàng hơn", bà Gazel nói.
Ngày nay, khi đã gần đến kỷ niệm 20 năm xây dựng, cầu cạn Millau vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn của giao thông và du lịch.
Kỹ sư Virlogeux cho biết ông "tự tin rằng cây cầu có thể tồn tại trong thời gian dài".
"Cây cầu đã đưa khu vực của chúng tôi lên bản đồ thế giới. Khi tôi nói rằng tôi là thị trưởng Millau, mọi người trên thế giới đều biết đến là bởi cầu cạn. Với khả năng kiến trúc và công nghệ sáng tạo, sau 20 năm, cây cầu vẫn trở nên độc đáo", bà Gazel nói thêm./.