LUÂN VŨ THỜI HIỆN ĐẠI
Bán cổ điển là một khái niệm rộng rãi, liên quan tới các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học xã hội và cả khoa học tự nhiên. Riêng trong âm nhạc, có thể hiểu bán cổ điển là phong cách/tập hợp tác phẩm tương tự nhạc cổ điển, có cấu trúc đơn giản, không phức tạp, dễ nghe, dễ cảm nhận, có tính đại chúng cao.
Các thể loại nhạc đại chúng được chuyển soạn và do dàn nhạc chơi theo phong cách cổ điển đều được xem là bán cổ điển, hoặc các trích đoạn cổ điển được tái hiện theo cách tươi mới, phong phú hơn cũng là một dạng bán cổ điển.
Sang tới thế kỷ 21, khi những “thương hiệu” Paul Mauriat, Mantovani, Franck Pourcel, hay Raymond Lefèvre đã tạm lùi về quá khứ, thì đã có một André Rieu vững bước đi lên, để nhạc bán cổ điển vẫn tìm thấy một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, kể cả ở châu Âu và Bắc Mỹ, những “thánh địa” của nhạc cổ điển.
Mang đến nguồn năng lượng tích cực
Sinh ngày 1/10/1949 tại Hà Lan, ngay từ nhỏ, cuộc sống của André Léon Marie Nicolas Rieu và các anh chị em đã chìm ngập trong âm nhạc cổ điển. Năm tuổi, André Rieu bắt đầu học violin, cho đến năm 25 tuổi, ông rời Hà Lan sang tu nghiệp tại Học viện âm nhạc Brussels. Năm 1978, ông thành lập dàn nhạc mang tên Maastricht Salon Orchestra, chủ yếu chơi thính phòng và bắt đầu lưu diễn ở Hà Lan, CHLB Đức và Hoa Kỳ.
Chín năm sau, ông thành lập dàn nhạc thứ hai, mang tên hai nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Johann Strauss, tác giả của những bản valse tươi tắn, rộn ràng. André Rieu không hợp với bầu không khí quá nghiêm túc, thậm chí căng thẳng trong các buổi hòa nhạc cổ điển. Ông cho rằng, âm nhạc chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó mang đến cho người nghe niềm vui, sự hứng khởi và nguồn năng lượng tích cực.
Nên Johann Strauss Orchestra sẽ chơi một thứ nhạc mang tinh thần cổ điển, nhưng gần gũi, thân thuộc, xóa đi khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả.
Ban đầu, dàn nhạc này chỉ có 12 thành viên, sau sáu tháng ròng rã đóng cửa luyện tập cũng đã chính thức ra mắt đúng ngày đầu năm 1988 và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Johann Strauss Orchestra được mời đi lưu diễn ở nhiều thành phố châu Âu và chỉ vài năm ngắn ngủi trôi qua, họ đã thực sự nổi tiếng, thực sự được yêu mến và còn được “ghi công” khi đã góp phần khôi phục lại hứng thú của cư dân cựu lục địa với nhạc valse.
Thậm chí, những người yêu mến Johann Straus Orchestra còn coi André Rieu như ông vua đương đại của nhạc valse, trong khi đó, cơ cấu dàn nhạc liên tục mở rộng, lên đến 50 thành viên. Con số ở thời điểm hiện tại là 80 – 150 thành viên, tùy vào từng sự kiện cụ thể. Giá vé cho một đêm diễn cũng dao động khá lớn: nếu ở ngoài trời, sẽ rơi vào khoảng 78 USD, nếu trong khán phòng, có thể lên tới gần 1.500 USD.
Paul Mauriat của thế kỷ 21
Không dừng lại ở đó, André Rieu còn rất tích cực hoạt động trong phòng thu, ra mắt nhiều album ăn khách, và dàn nhạc bắt đầu có những tour lưu diễn kéo dài ở Bắc Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác. Có thể nói, Johan Strauss Orchestra đã trở thành một Paul Mauriat của thiên niên kỷ mới.
Khác với tất cả các dàn nhạc bán cổ điển khác, Johan Strauss Orchestra không chỉ thỏa mãn phần nghe mà cả phần nhìn của các khán giả. Các nữ nhạc công luôn mặc những bộ váy rất rực rỡ, đủ màu sắc, bong bóng và confetti không bao giờ thiếu, còn André Rieu rất có khiếu hài hước.
Ông pha trò, ông đùa giỡn với các nghệ sĩ sau các tiết mục, ông khuyến khích khán thính giả nhún nhảy theo điệu nhạc, hát theo ca sĩ, thậm chí đứng dậy khiêu vũ nếu diễn ở các không gian công cộng. Khoảng cách giữa dàn nhạc và công chúng đã không còn tồn tại.
Không chỉ đảm nhận vai trò nhạc trưởng André Rieu còn là nghệ sĩ độc tấu, là concertmaster (bè trưởng bè violin) của dàn nhạc. Tức là một mình chiếm trọn ba vị trí quan trọng nhất. Điều này cũng dễ hiểu, vì ai cũng biết André Rieu là một violinist tài năng, các phần trình diễn solo của ông luôn ở đẳng cấp hàng đầu.
Và dàn nhạc vẫn lấy tư duy cổ điển làm nền tảng, bè dây luôn là thành phần quan trọng nhất trong dàn nhạc, là cái gốc để phát triển các tác phẩm. Tờ The New York Times, trong một bài viết công phu đăng tải năm 2016, đã gọi ông là “Maestro của đám đông”. Chỉ những nhạc trưởng tài năng nhất mới được nhận danh xưng Maestro.
Mỗi khi lên sân khấu, André Rieu sử dụng cây violin Stradivarius mang tên Captain Saville, được chế tác từ năm 1667, có giá khoảng vài triệu USD và chỉ còn khoảng 450 cây tương tự còn tồn tại trên đời. Khi được hỏi khi đi ngủ ông có mang đàn vào giường không, André Rieu đã hóm hỉnh trả lời: “không, tôi vẫn ngủ với vợ tôi, nhưng cây Stradivarius luôn nằm ở giữa”.
Nét độc đáo của André Rieu là tới quốc gia nào thì dàn nhạc của ông sẽ chơi theo phong cách âm nhạc đặc trưng, chơi một vài bản nhạc hoặc ca khúc nổi tiếng của quốc gia đó. Ví dụ như Tuscany – chương trình biểu diễn ngoài trời tại quảng trường thành phố Cortona nước Ý, người nghe sẽ thấy ngay sự nồng nàn, quyến rũ như nắng ấm Địa Trung Hải trong từng nốt nhạc. L'Italiano bỗng trở nên mới lạ với phần solo clarinet và phần thể hiện của bộ hơi.
Tiếng đàn dìu dặt của ông trong bản Speak Softly Love như nỉ non những lời yêu thương nồng nàn, điểm xuyết vào đó là một vài tiếng sáo rơi rụng. Stranger In Paradise (trích từ opera Prince Igor) quyến rũ với dàn hát bè, như đưa người nghe vào một khung trời mộng mơ tuyệt vời.
Có thể nói, Johann Strauss Orchestra chơi cực kỳ ăn ý và luôn luôn tràn ngập cảm hứng. Còn André Rieu, với cây violin trong tay, luôn xuất sắc trong việc dẫn dắt dàn nhạc và khơi nguồn hứng khởi cho khán giả.
Các album của André Rieu & Johann Strauss Orchestra hiện đều có thể dễ dàng tìm nghe trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, TIDAL, Deezer hay Qobuz. Tuy nhiên, nếu bỏ qua phần hình ảnh trong các live concert thì cũng hơi đáng tiếc, và YouTube cũng là một kênh xem tương đối đầy đủ.
Hãy thử thưởng thức một lần, biết đâu ai đó trong chúng ta lại ngay lập tức trở thành người hâm mộ của dàn nhạc quá đỗi đáng yêu này?