Khi phụ nữ không đi giày cao gót

Khi phụ nữ không đi giày cao gót

Ai cũng biết giày cao gót có khả năng đặt phụ nữ vào một vị trí khác, khiến họ nhìn thế giới theo cách khác. Người ta vẫn trích dẫn Marilyn Monroe rằng: “Tôi không biết ai phát minh ra giày cao gót, nhưng tất cả phụ nữ trên đời đều biết ơn người đó rất nhiều.” Tóm lại, giày cao gót rất kỳ diệu. Nhưng với riêng tôi, những lần đi giày cao gót thường khiến tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của đôi giày đế bằng mà mỗi ngày tôi vẫn xỏ vào.

Trong cổ tích, nàng Lọ Lem có hai nhân dạng: đầu tiên là cô gái bình thường, luôn bị bắt nạt – nhân dạng này đi giày đế bằng, còn lại là một công nương kiều diễm thu hút mọi ánh nhìn trong dạ yến – nhân dạng này đi đôi giày giày cao gót pha lê do bà tiên ban cho.

Nàng làm rớt một chiếc giày khi vội vã ra về, điều khó xảy ra nếu nàng đi giày đế bằng. Cuối cùng nhờ chiếc giày đánh mất ấy mà trở thành thái tử phi. Đôi giày cao gót vì thế trở thành biểu tượng cho sự đổi đời của một người phụ nữ, từ cô Lọ Lem biến hoá thành người trong mộng của hoàng tử.

Giày cao gót biến nàng thành một con người khác hẳn chính nàng trong đời sống thường nhật, vốn là cô gái đi đôi giày đế bằng. Nhưng chẳng phải sau cùng chúng ta vẫn sống với con người hằng ngày của mình nhiều hơn là con người trong những bữa yến tiệc lộng lẫy ư?

Đôi giày cao gót cho ta biết ta có thể trở thành ai. Nhưng đôi giày đế bằng lại cho ta biết ta là ai.

Phụ nữ đi giày đế bằng không chỉ là một lựa chọn thời trang. Có lẽ nó còn là một lựa chọn về tâm thế. Sự chênh vênh của đôi giày cao gót buộc người ta phải lưu tâm hơn tới từng bước đi của mình, từng chướng ngại nhỏ nhất trên đường. Trong khi đôi giày đế bằng cho ta sự vững chãi và an toàn, chúng trở thành một phần đôi bàn chân của ta, và vì không phải nghĩ về chúng, tâm trí ta lại có sự tự do để nghĩ về những thứ khác.

Phụ nữ thường nghiễm nhiên được coi là có khả năng chịu đựng đau đớn giỏi hơn và có khi nào một phần khả năng ấy đến từ việc ta đã được luyện tập đi giày cao gót? Cũng giống như rất nhiều những nỗi đau được thần thánh hóa khác mà chỉ phụ nữ phải nếm trải, giày cao gót rất đẹp nhưng cái giá phải trả là sự rã rời của đôi bàn chân.

Hay nói một cách hoa mỹ như người đàn ông từng thiết kế nên các mẫu giày cao chót vót đã thành biểu tượng, Christian Louboutin (nhưng đồng thời cũng chẳng bao giờ tự đi giày cao gót), thì món đồ này là “khoái cảm đi với nỗi đau”.

Tôi vẫn nhớ ngày cưới của chị tôi, tất nhiên đám cưới thì phải lộng lẫy nhất có thể, và để lộng lẫy nhất có thể thì chị tôi phải đi giày cao gót. Đến khi tiệc tan, khách khứa đã về hết, điều đầu tiên chị tôi làm là quăng đôi giày cao gót qua một bên như tháo bỏ một chiếc cùm, co duỗi bàn chân đang sưng phồng, đỏ ửng của mình, rồi thay đôi giày thể thao để đi về nhà.

Tất nhiên, khi đăng ảnh trên mạng xã hội, chị tôi sẽ chỉ đăng ảnh xinh xắn lúc đang đi giày cao gót, chứ hiếm khi để mọi người thấy khoảnh khắc lúc vứt giày cao gót qua một bên và giải phóng bàn chân với đôi giày bình thường. Như thế có vẻ không nhã lắm, nhưng đó lại chính là mặt sau cuộc sống của một người phụ nữ.

Nói vậy không có nghĩa sự phù phiếm ở đôi giày cao gót chỉ mang đến cho phụ nữ niềm vui giả tạo. Chẳng có gì sai trong việc thích được khen xinh đẹp và muốn được mọi người trông thấy lúc mình đang xinh đẹp, nhưng cũng đừng nên đánh giá thấp niềm vui của sự xuề xoà. Đi một đôi giày cao gót thì dễ gây được sự chú ý, nhưng đâu phải lúc nào phụ nữ cũng cần được tất cả mọi người nhìn ngắm hay xuýt xoa.

Cũng có lúc ta muốn thu mình vào thế giới riêng tư, không ai chú ý tới mình cả và mình hoà lẫn vào những gương mặt khác. Và đó là lúc ta sẽ chọn một đôi giày thể thao, một đôi xăng-đan, hay một đôi giày lười. Ta thấy ổn với việc bản thân không cần cao thêm vài centimet cho đúng chuẩn xã hội. Ta thấy ổn vì chân mình không thon lắm, bước chân của mình không uyển chuyển tha thướt lắm, dáng mình không được tôn lắm.

Nhưng vào đúng thời khắc khi ta trông không có gì đặc biệt để ai phải ngoái nhìn ấy, tất cả mọi người cùng lướt qua ta, vậy mà lại có người nhìn ta, thì cái nhìn ấy sẽ rất đặc biệt, như trong lời ca khúc của Đỗ Bảo mang tên Đôi Giày Lười do ca sĩ Hà Trần thể hiện: “Này con đường đang trôi. Trôi ngược bước đôi giày lười. Này anh, người đăm đắm nhìn tôi. Anh có trôi như mọi người.”

Và nếu ai cho rằng đôi giày đế bằng không đủ khả năng khiến phụ nữ quyến rũ hay duyên dáng như đôi giày cao gót, thì hãy thử xem hai tượng đài sắc đẹp thế kỷ 20 là Brigitte Bardot và Audrey Hepburn. Hai vẻ đẹp khác xa nhau, một người là biểu tượng tình dục, một người là đỉnh cao của sự tao nhã. Nếu có gì liên quan, thì cả hai đều tìm thấy vẻ đẹp của những đôi giày đế bằng.

Trong bộ phim đưa tên tuổi Bardot trở thành minh tinh, And God Created Woman (Và Chúa tạo ra đàn bà - 1956), nàng đã yêu cầu đạo diễn thiết kế cho mình một đôi giày ballet đế bệt đơn giản nhất có thể, không rườm rà, không trang trí, miễn sao nàng có thể hoàn toàn thoải mái, bay bổng khi di chuyển.

Còn với Audrey Hepburn, nàng đi đôi dép xăng đan khi vào vai nàng công chúa trốn khỏi cung điện để khám phá đời sống thị dân ở Roma trong Roman Holiday (1953); nàng mặc quần jeans và đi đôi giày loafer đen đế bằng, nhảy múa như một chú mèo con nghịch ngợm khi vào vai cô gái mọt sách bỗng chốc lọt vào mắt xanh một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong Funny Face.

Khoảnh khắc đầy giải phóng và tự do ấy, nếu nàng đi giày cao gót thì nàng sẽ chẳng thể nào nhảy nhót uốn lượn trên bục bệ, thể hiện những độc tác kỳ cục và những vũ điệu chẳng giống ai. Không, lúc đó nàng phải đi giày đế bằng mới được.

Và đi giày đế bằng thì không đủ quyền lực ư? Nhầm to. Khi Uma Thurman chiến đấu với cả một băng yakuza Nhật Bản trong siêu phẩm Kill Bill (2003) của Quentin Tarantino, nàng đi giày gì? Câu trả lời là đôi sneaker vàng - đen kinh điển của Onitsuka Tiger, lấy cảm hứng từ huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Đôi giày thể thao ấy cho nàng sự vững chắc để trả thù, để tung những đòn hóc hiểm.

Sự quyến rũ hay quyền lực đâu nằm trong đôi giày, mà nằm ở người đi đôi giày ấy.

Không phải ta không thích những lúc được nổi bật bước đi với đôi giày cao gót, nhưng ta cũng thích những khi được chạy bộ quanh hồ, những khi vừa thong dong vừa đi vừa đọc một cuốn sách hay, và tất nhiên để làm được những điều đó thì ta phải đi giày đế bằng.

HIỀN TRANG

Đặc san LOOK, số 42 Copy