Như chưa từng lạc mốt

Như chưa từng lạc mốt

 

Dù là chất liệu gắn liền với giới quý tộc châu Âu, nhưng nguồn gốc của nhung lại đến từ phương Đông. Những mảnh nhung dệt từ lụa đã được tìm thấy ở Trung Quốc có niên đại khoảng năm 403 trước Công nguyên, ở Iraq và Ai Cập thậm chí đã dệt được nhung trước đó khoảng 1.600 năm.

Theo các thương lái vào châu Âu, nhung được sản xuất ở Italia và đạt tới điểm cực thịnh vào thời kỳ Phục hưng, chủ yếu bán cho người giàu về may trang phục và đồ nội thất. Dân thường chỉ được sử dụng nhung đại trà sau cuộc Cách mạng công nghiệp, khi chất liệu này được dệt may nhanh hơn, nhiều hơn và rẻ hơn. Mặc dù vậy, mối liên kết của nó với sự sang trọng vẫn được duy trì bền vững cho tới ngày nay.

Từng có một thời gian, nhung được xem như hiện thân của sự già cỗi, đơn điệu và lạc hậu, cho nên, nó cũng hiếm khi xuất hiện trên các sàn diễn, đặc biệt trong thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Nhưng, bản chất của thời trang là quay vòng, cộng thêm nguyên tắc “cái mới chính là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên”, nhung đã có sự trở lại ngoạn mục trong vài năm trở lại đây.

Sofia Martellini, chiến lược gia giàu kinh nghiệm tại WGSN – công ty hàng đầu về dự đoán các xu hướng tiêu dùng toàn cầu cho biết: “sau quãng thời gian khó khăn chỉ giao tiếp với màn hình máy tính và điện thoại, người ta trở nên quan tâm nhiều hơn đến các loại vải mang đến nhiều cảm xúc khi chạm, sờ và vuốt ve chúng”.

Nhung là một chất liệu như vậy, với đặc điểm được các chuyên gia mô tả là “kết cấu xa hoa”. Lớp lông tơ trên bề mặt thật dầy, mịn, mượt, cho cảm giác mềm mại và mượt mà gần như “vô đối”. Lướt tay trên một tấm vải nhung đắt tiền là trải nghiệm xúc giác mang đến sự khoan khoái và thoải mái đến tuyệt vời.

Điều này có được nhờ kỹ thuật dệt trên một bộ khung đặc biệt, cho phép tạo ra hai lớp vải cùng lúc. Lớp trên cùng – xin tạm gọi là lông tơ, ngoài mịn và mượt, còn có khả năng phản chiếu ánh sáng độc đáo, tạo ra hiệu ứng đổ bóng tuyệt đẹp, khiến vẻ đẹp của nhung lại càng trở nên ấn tượng.

Từ một loại vải chỉ dành cho giới quý tộc, giờ đây, nhung đã đi vào cả những mẫu trang phục thường nhật dành cho số đông. Sự linh hoạt của nhung cũng được mở rộng hơn, khi các cô nàng sành điệu vẫn có thể mặc trang phục nhung nhẹ nhàng và thoải mái trong những ngày hè nắng tươi. Kết cấu đa dạng và độ bóng mượt của nhung khiến nó được sử dụng nhiều hơn trên cả các loại phụ kiện, nhất là giày và túi xách.

Và trong mùa đông - xuân này, vải nhung đã trở thành nhân vật chính từ sàn catwalk ra tới các showroom, vào dạ tiệc, tới chốn công sở hay các quán café ấm áp. Các nhà thiết kế tài hoa gần như tận dụng nhung cho mọi loại trang phục, từ váy ngắn tới váy dài, từ quần tới áo khoác, phá vỡ sự sang trọng có phần cứng nhắc của nhung để làm nó trở nên duyên dáng hơn, với độ dầy của vải thực sự đa dạng – có thể mỏng nhẹ như lụa, cũng có thể dầy và đầm tay như da.

Quả thực như vậy. Đầu tiên là nhung mịn, xuất hiện dầy đặc trong bộ sưu tập của các tên tuổi lớn. Đó là chiếc quần cạp trễ ống rộng của Chanel, chiếc váy mang hơi hướng nữ tu của Balenciaga, đầm maxi bóng bẩy của Fendi, quần thụng giả denim của MSGM, áo khoác theo tinh thần trench coat của Proenza Schouler hay áo khoác lửng của Celine.

Vậy thì, nếu muốn trở nên thời thượng hơn trong dịp đầu năm mới, đâu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất với chất liệu này? Đó sẽ là một chiếc áo vest màu đỏ tươi hoặc đỏ vang, với cổ chữ V khoét sâu, có thể mix với áo cúp ngực hoặc táo bạo hơn, chỉ là một chiếc bra. Cả bộ suit cũng là gợi ý không tồi cho một cô nàng cá tính và không ngại che giấu sự mạnh mẽ của bản thân.

Nhìn vào sàn catwalk, có thể nhận ra, xu hướng bùng nổ cùng vải nhung mịn chính là những chiếc quần dáng dài, ống rộng gợi nhớ về kiểu quần loe của hai thập nhiên 1960 – 1970. Màu sắc thì cực kỳ đa dạng, ngoài các gam trầm truyền thống còn có màu ánh bạc, xanh bạc hà, hồng tươi, đỏ thẫm, xanh dương và xanh lá cây đậm. Các sắc màu tươi mới này giúp mang đến cảm giác hiện đại, năng động hơn hẳn.

Đây cũng là kiểu quần dễ mix đồ, áo phông hoặc sơ-mi mùa hè cho ngày nắng, thêm chiếc áo khoác mỏng cho ngày gió se lạnh, áo len, áo khoác ấm áp và bốt cao cổ hoặc ngang bắp chân cho tiết trời giá rét.

Dĩ nhiên, đã có nhung mịn thì cũng không thể vắng bóng nhung tăm, tức corduroy. Ra đời từ thế kỷ 18, chất liệu này còn có tên gọi khác là Corduroy, ban đầu thường được dùng để may đồng phục cho nhân viên công sở. Ngày nay, người ta dệt nhung tăm từ sợi bông hoặc sợi tổng hợp, trong quá trình xử lý tạo ra các đường nhỏ chạy dọc theo bề mặt vải, do đó, nó cũng được gọi là nhung tăm.

Nhung tăm có khả năng giữ nhiệt tốt, bền bỉ, nhưng lại không thoáng khí và hay bị sờn màu, co giãn kém. Cho nên, đây cũng là chất liệu kén người mặc, cũng không được các nhà thiết kế thực sự ưa chuộng, và nó chỉ thực sự thăng hoa vào mùa thu đông 2017, trong các thiết kế áo vest, quần âu và suit thuộc bộ sưu tập của ba cái tên “bình dân” nổi bật nhất: H&M, Zara và Mango. Ngoài ra còn có Mullbery đưa nhung tăm vào các mẫu đầm maxi phối cùng áo khoác oversized, cá biệt có Prada dùng nhung tăm để tạo ra sự phá cách cho các mẫu trang phục mang hơi hướng chic cổ điển như quần thụng, quần loe, áo khoác bomber…

Và giờ đây, nhung tăm đã có sự trở lại mạnh mẽ với độ biến hóa “ngút ngàn”, quý phái hơn, điệu đà hơn – mà minh chứng tiêu biểu có thể kể đến mẫu đầm dạ hội vai trần nhã nhặn của Ralph Lauren. Versace cũng kết hợp cả hai loại nhung cho những mẫu váy liền và jumpsuit cách điệu màu hồng rực rỡ kiểu Barbie, còn Anna Sui mang chúng vào các mẫu đầm suông trong bộ sưu tập resort mới nhất. Đây vẫn là chất liệu yêu thích của nhà Zara và thêm Coach cũng bất ngờ dùng nhung tăm cho áo  và các mẫu váy Gothic khá độc đáo về mặt kiểu dáng.

Với quần nhung tăm, lời khuyên là nên chọn dáng quần ống hơi loe, phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau, phối cùng giầy da đơn giản hoặc sneaker, thậm chí giầy cao gót cũng rất vừa vặn. Riêng váy, bất chấp việc các gam pastel giúp chất liệu này tỏa sáng hơn, rõ ràng, các gam trầm như cách Ralph Lauren hay Zara đã sử dụng vẫn mang đến cho nhung tăm sự quyến rũ và tươi trẻ cần thiết, chưa kể thêm một vài họa tiết trang trí sẽ tạo ra điểm nhấn bất ngờ.

Đầm dạ hội bằng vải nhung mang đến sự cơ động về chiều dài – từ ngang đùi tới ngang gối và dài quét đất. Sự kết hợp của nhung với các chất liệu khác cũng khá đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là denim, len và tweed.

Riêng về phụ kiện, găng nhung chính là lựa chọn hàng đầu, nhất là khi được phối cùng váy ren, satin và tuxedo, hợp với cả dạ tiệc trang trọng hay tiệc cocktail vui vẻ và thoải mái. Nên nhớ, độ dài và màu sắc của găng phụ thuộc vào độ dài và màu sắc của váy. Váy dài thì cần găng dài, và màu sắc phải có sự tương đồng chứ không được đối chọi.

THU NGỌC

Đặc san LOOK, số 46