Đam mê với cổ phục Việt
Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa độc đáo và vô cùng quý báu của lịch sử dân tộc mà không phải ai cũng biết, đặc biệt giới trẻ. Nhưng có một chàng trai trẻ 9x - Nguyễn Đức Lộc đã ngược dòng thời gian tìm tòi, nghiên cứu trang phục cổ của các triều đại trong lịch sử dân tộc, với mong muốn quảng bá và phát huy cổ phục Việt trong đời sống hiện đại.
Chia sẻ về cơ duyên theo đuổi và phát triển cổ phục Việt Nam, Nguyễn Đức Lộc cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã rất đam mê và yêu thích văn hóa lịch sử của dân tộc, tôi thường xuyên đọc sách về lịch sử cũng như đi tham quan các di tích văn hóa, lịch sử Việt Nam, nên tình yêu với văn hóa truyền thống ngày càng lớn dần trong tôi. Cùng với đó, gia đình tôi có truyền thống làm nghề may nên lớn hơn chút, khi được tiếp xúc với thiết kế, may vá, tôi cũng dần thích thú và đam mê với thời trang.
Cách đây 8 năm, khi lần đầu tiên được tiếp xúc với cổ phục, tôi đã thắc mắc "Tại sao trang phục cổ của Việt Nam đẹp đến thế, có vẻ đẹp tinh hoa đến thế mà người Việt rất ít người biết đến? Trong khi đó, khi xem các bộ phim cổ trang của nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… chúng ta có thể thấy họ đã hình thành một ngành công nghiệp văn hóa và quảng bá văn hóa rất hiệu quả qua phục trang, qua các thước phim. Tôi cảm thấy tiếc vô cùng nếu chúng ta lãng quên một vẻ đẹp tinh hoa ấy của dân tộc. Vậy nên, khi tìm hiểu tôi nhận thấy, thị trường của lĩnh vực này còn rất màu mỡ, chưa ai khai phá nên tôi quyết định dấn thân vào con đường sáng tạo và phát triển cổ phục Việt Nam với mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến những bộ trang phục tuyệt đẹp này. Có thể nói, đây là con đường tổng hòa hai niềm đam mê, yêu thích của tôi là văn hóa lịch sử và thời trang".
Với ý tưởng và niềm đam mê như thế cũng như nhận thấy muốn phát triển, nhân rộng văn hóa truyền thống, đặc biệt là với cổ phục thì phải có định hướng, chiến lược rõ ràng nên đến năm 2018, Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự thành lập ra Ỷ Vân Hiên – nơi chuyên nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; tư vấn về lĩnh vực văn hóa…
"Nhiều người thắc mắc hỏi tôi, đam mê với văn hóa nhưng tại sao lại kinh doanh nó? Nhưng theo quan điểm của tôi, mỗi người sẽ có một cách lựa chọn và một cách thức để thể hiện tình yêu văn hóa của riêng mình. Tôi lựa chọn con đường kinh doanh văn hóa cổ phục, bởi tôi hiểu kinh tế và văn hóa không thể tách rời, chúng ta phải dùng kinh tế để phát triển văn hóa thì công cuộc bảo tồn ấy mới bền vững. Hơn nữa, trang phục cổ dù đẹp đến mấy, nhưng nếu chỉ tồn tại trên sách vở, trong bảo tàng, không được phổ cập, sáng tạo, không được công chúng biết đến để gìn giữ sẽ rất đáng tiếc" - Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm.
Tham vọng đưa cổ phục ra thế giới
Tuy nhiên, để sáng tạo nên một bộ cổ phục không phải điều dễ dàng, đặc biệt với người trẻ, vậy nên những ngày đầu tiên theo đuổi và phát triển con đường này, Nguyễn Đức Lộc cũng đã gặp muôn vàn khó khăn. "Khó khăn lớn nhất là đó nguồn tư liệu nghiên cứu. Do trải qua một thời gian dài với những biến động lịch sử nên tư liệu về trang phục của các triều đại xưa đã không còn nhiều. Chính vì vậy, ngoài việc nghiên cứu từ các tư liệu lịch sử, tìm đến những nhà sử học, những chuyên gia, nghệ nhân trong lĩnh vực này để học hỏi, tôi cũng phải đi điền dã, tìm đến những di tích, những ngôi đình làng, đến các làng nghề dệt vải, nghề thêu truyền thống, gặp các nghệ nhân nơi đây tìm hiểu về kỹ thuật làm vải, thêu thùa… từ đó, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để sáng tạo" - Nguyễn Đức Lộc nói.
Cũng theo Nguyễn Đức Lộc, việc cân bằng giữa yếu tố văn hóa lịch sử và yếu tố thời trang cũng là một trong thách thức không nhỏ đối với anh. Bởi, bản thân cổ phục bao gồm hai yếu tố. Thứ nhất, "cổ" là cũ, tức là nói về văn hóa, lịch sử thì cần phải có sự rất nghiên cứu cẩn trọng. Thứ hai, "phục" là trang phục thì bản thân nó phải có tính chất thẩm mỹ của thời trang. Hai yếu tố đó không thể tách rời trong việc bảo đảm trang phục phải đúng và đẹp. Nhưng đôi khi tư duy nghiên cứu và thời trang lại rất khó để gặp nhau. Chúng ta đã từng chứng kiến những bộ phim lịch sử bị khán giả và giới chuyên môn phản ứng gay gắt vì vấn đề phục trang. Có khi trang phục đúng nhưng không đẹp, hoặc trang phục nhìn rất đẹp mắt nhưng hàm lượng văn hóa, lịch sử lại rất thấp.
"Vậy nên, khi bắt tay vào sáng tạo và phát triển cổ phục Việt ứng dụng trong đời sống hiện nay hay sử dụng trong các sự kiện, hoạt động văn hóa khác, tôi cùng với các cộng sự của mình đã suy nghĩ phải làm sao sáng tạo nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc bảo đảm trang phục đúng và giữ được bản sắc rồi mới làm cho nó đẹp hơn, tùy từng mục đích sử dụng, ứng dụng trong đời sống" – Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm.
Với sự tỉ mỉ và cẩn trọng như vậy nên những bộ trang phục cổ mà Nguyễn Đức Lộc thiết kế sáng tạo bao giờ cũng đáp ứng được hai yếu tố vừa đúng về văn hóa lịch sử, vừa đẹp về mặt thẩm mỹ thời trang, từng đường kim mũi chỉ với hoa văn họa tiết rất rõ ràng, sắc nét.
Đến nay, sau hơn 6 năm phát triển, Ỷ Vân Hiên của Nguyễn Đức Lộc trở thành đơn vị sáng tạo và thiết kế cổ phục nổi tiếng trong thị trường thời trang Việt. Những bộ cổ phục được anh sáng tạo thiết kế ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các kênh truyền hình, phim điện ảnh, MV âm nhạc, sân khấu, sàn diễn thời trang,... Ví dụ có thể kể đến, phim Phượng Khấu, phim Người vợ cuối cùng, MV của ca sĩ Hòa Minzy… Rồi càng ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến để mua cổ phục hơn, từ sinh viên, du học sinh, đến diễn viên, người mẫu, ca sĩ, doanh nhân, rồi các nhà ngoại giao, các đại sứ… Và có cả những bạn trẻ tìm đến đặt cổ phục cho lễ cưới của mình.
"Hạnh phúc biết bao khi ngày càng có nhiều người biết đến cổ phục Việt, đặc biệt giới trẻ. Điều đó, đã cho thấy con đường tôi lựa chọn theo đuổi là đúng đắn. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đào sâu nghiên cứu về các trang phục cổ Việt Nam để cho ra những bộ trang phục đẹp và mới lạ nhất đến với công chúng. Bên cạnh đó, Hiện nay, tôi cũng đã tạo được những dấu ấn nhất định đối với thị trường trong nước thì mục tiêu tiếp theo tôi sẽ lấn sân ra thị trường quốc tế bằng cách đưa những bộ cổ phục của mình tham dự và trưng bày các triển lãm, hội chợ quốc tế; quảng bá thông qua các Đại sứ quán;… Tôi tin rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, một ngày không xa những bộ trang phục cổ của Việt Nam sẽ được lan tỏa rộng rãi đến với bạn bè quốc tế" – Nguyễn Đức Lộc chia sẻ../.