Núi cao và sông băng đối mặt khủng hoảng toàn cầu

Theo báo cáo Phát triển tài nguyên nước thế giới 2025 được UNESCO công bố, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và hoạt động khai thác thiếu bền vững đang ngày càng tàn phá môi trường núi cao với tốc độ chưa từng có.

Những gì từng được xem là “tháp nước” của Trái Đất – sông băng và tuyết – đang tan chảy nhanh, đe dọa trực tiếp nguồn nước sống mà hàng tỷ người và vô số hệ sinh thái đang phụ thuộc. UNESCO nhấn mạnh chỉ có hợp tác quốc tế và chiến lược thích ứng toàn cầu mới có thể giúp ngăn chặn khủng hoảng đang diễn ra này.

Theo báo cáo, núi cao cung cấp từ 55–60% lượng nước ngọt hàng năm trên thế giới. Có hơn một tỷ người sinh sống ở vùng núi, và hơn hai tỷ người dựa vào nguồn nước từ đây cho việc sinh hoạt, vệ sinh và sinh kế. Các vùng núi còn duy trì các ngành kinh tế như chăn nuôi, lâm nghiệp, du lịch và sản xuất năng lượng thủy điện. Ví dụ ở các quốc gia có phần lãnh thổ nằm dọc theo dãy núi Andes, thủy điện tại vùng cao chiếm tới 85% tổng sản lượng điện.

Báo cáo này cho biết, sông băng trên toàn cầu hiện đang tan chảy nhanh nhất trong lịch sử ghi nhận. Nhưng nguồn nước từ tuyết theo mùa mới là yếu tố quan trọng, những thay đổi về lượng và thời điểm tuyết rơi đã gây mất ổn định nghiêm trọng cho sinh hoạt và sản xuất. Ở Nhật Bản, tuyết phủ trên đỉnh núi Phú Sĩ hiện đến muộn hơn khoảng một tháng so với trước kia.

Quảng cáo

Gần một nửa dân cư vùng núi nông thôn ở các nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu an ninh lương thực, trong đó phụ nữ và trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Sự sụt giảm băng và tuyết cũng đe dọa 2/3 diện tích đất tưới toàn cầu, khiến nông nghiệp mất ổn định. Bên cạnh đó, nguy cơ khẩn cấp từ thiên tai như lũ quét và sạt lở, đặc biệt tại các lưu vực như sông Colorado (Mỹ), càng tăng cao.

Mặc dù đóng vai trò sống còn, nhưng vùng núi hầu như không được chú ý trong các chính sách về nước, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng. UNESCO cùng Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã cùng khởi xướng Năm quốc tế bảo tồn sông băng 2025 và Thập kỷ hành động vì khoa học Cryosphere (2025–2034) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và chính sách bền vững.

UNESCO đã triển khai hai dự án tiêu biểu trong năm nay. Tại Trung Á, tổ chức này phối hợp với địa phương đầu tư 12 triệu USD để giám sát sông băng và cảnh báo lũ hồ băng ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, nhằm bảo vệ hơn 100.000 người. Còn ở Châu Phi, dự án Mở khóa “tháp nước” Kilimanjaro trị giá 8 triệu USD, tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu, đang hỗ trợ hơn 2 triệu người ở vùng biên giới Tanzania–Kenya. UNESCO sẽ lập bản đồ hệ thống tầng chứa nước ở khu vực này, giúp thêm 100.000 người tiếp cận trực tiếp nguồn nước uống, cung cấp nước vào mùa khô, phục hồi 400 km² rừng mây bị suy thoái (rừng mây là loại rừng đặc trưng ở vùng núi cao, nơi thường xuyên có sương mù hoặc mây bao phủ, độ ẩm rất cao, hệ sinh thái đa dạng) và quản lý hơn 17.000 km² vùng bảo tồn.

(Theo UNESCO)

Theo ngaynay.vn Copy