Phát hiện thành phố 4.000 năm tuổi ở Saudi Arabia

Các nhà khảo cổ học cho biết vừa phát hiện thành phố kiên cố 4.000 năm tuổi ẩn dưới một ốc đảo tại Saudi Arabia, có thể giúp hé lộ những thay đổi trong cuộc sống từ lối sống du cư sang lối sống đô thị.

tp-co-9928.jpg

Theo nghiên cứu, do nhà khảo cổ học người Pháp Guillaume Charloux đứng đầu, công bố mới đây trên tạp chí PLOS One, di tích còn lại của thành phố có tên gọi al-Natah, từ lâu bị che khuất bởi ốc đảo Khaybar có tường bao quanh. Ốc đảo là một khu vực xanh và màu mỡ có sa mạc bao quanh ở Tây Bắc bán đảo Arập. Tại địa điểm khảo cổ, các nhà nghiên cứu phát hiện một bức tường thời cổ đại dài 14,5 km.

Nhóm các nhà nghiên cứu người Pháp và Saudi Arabia cung cấp bằng chứng cho thấy những thành lũy này được thiết lập xung quanh khu dân cư. Thành phố được cho là nơi cư trú của 500 cư dân, được xây dựng khoảng 2.400 năm trước Công nguyên vào đầu thời đại đồ đồng. Thành phố bị bỏ hoang khoảng 1.000 năm sau đó, song không ai biết lý do.

Quảng cáo

al-Natah được xây dựng khi các thành phố đang phát triển thịnh vượng ở khu vực Levant dọc Địa Trung Hải từ Syria đến Jordan ngày nay. Thời điểm đó, vùng Tây Bắc Saudi Arabia được cho là một sa mạc cằn cỗi, chỉ có những người du mục chăn gia súc đi qua, cùng một số nghĩa địa.

Phải đến 15 năm trước, các nhà khảo cổ học mới phát hiện những thành lũy có từ thời đại đồ đồng ở ốc đảo Tayma, phía Bắc Khaybar. Chính những phát hiện này đã thôi thúc giới khoa học nghiên cứu kỹ hơn các ốc đảo này.

Theo ông Charloux, những tảng đá núi lửa đen gọi là đá bazan che phủ các bức tường của thành phố al-Natah kín đến mức đã bảo vệ địa điểm này không bị đào trộm. Các nhà khoa học đã phát hiện những nền, móng đủ mạnh để chống đỡ ít nhất những ngôi nhà 1 hoặc 2 tầng, song họ sẽ cần phải nghiên cứu kỹ hơn.

Những phát hiện ban đầu này đã vẽ ra bức tranh về 1 thành phố rộng 2,6 ha với khoảng 50 ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi, bao quanh là tường.

Những ngôi mộ bên trong một nghĩa địa ở đây có chứa vũ khí bằng kim loại như rìu và dao găm cũng như những viên đá như đá mã não, cho thấy một xã hội tương đối tiến bộ vào thời gian đó. Trong khi những dấu tích đồ gốm cho thấy một xã hội tương đối quân bình. Kích thước của những thành lũy, có thể cao tới khoảng 5 m, cho thấy al-Natah là nơi hiện diện của một chính quyền địa phương mạnh.

Các phát hiện này hé lộ một quá trình đô thị hóa chậm trong quá trình chuyển đổi từ lối sống du cư sang lối sống làng mạc ổn định hơn.

Theo ngaynay.vn Copy