Phim nhựa - di sản cần được bảo tồn của điện ảnh Việt

Những cuộn phim nhựa từng là chuẩn mực của nền điện ảnh từ thuở sơ khai, gắn bó sâu sắc với thời kỳ vàng son đất nước.

Đó là những chia sẻ của các chuyên gia, đạo diễn, nhà làm phim trong cuộc đối thoại Điện ảnh là di sản á, rồi sao? được tổ chức ở Hà Nội vừa qua.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn cho cho biết: "Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, phim kỹ thuật số đang dần thay thế cho phim nhựa. Bởi, làm phim kỹ thuật số có nhiều ưu thế hơn, phù hợp với hiện đại hơn còn phim nhựa rất dễ bị mốc, độ nhạy cao, chỉ cần một sai sót nhỏ là hỏng, đặc biệt công đoạn bảo quản vô cùng khó khăn. Hơn nữa, làm phim nhựa tốn rất nhiều chi phí và đòi hỏi kỹ thuật cao nên đó cũng là điều khó khăn cho các bạn trẻ hiện nay nếu muốn làm phim nhựa".

"Tuy nhiên, trong cuộc đời làm phim của tôi, tôi lại thích làm phim nhựa hơn phim kỹ thuật số, dù quay phim nhựa có nhiều khó khăn, nhưng chính hành trình vất vả đó lại làm cho cuộc đời làm phim của tôi trở nên ý nghĩa và thú vị hơn. Bởi có lao động, có vất vả thì ý tưởng hay mới nảy sinh. Đó mới là lao động nghệ thuật" - NSND Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ.

img4946-17223309063721832080077.jpg

Câu chuyện về di sản điện ảnh luôn thu hút đông đảo chuyên gia, nhà làm phim quan tâm

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho biết, ông rất ngạc nhiên về sự thay đổi của nền điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên hiện nay, ông dường như không thấy sự tồn tại của phim nhựa ở Việt Nam. Thực trạng này hoàn toàn khác so với Mỹ.

"Kỹ thuật số Mỹ phát triển đầu tiên nhưng họ vẫn rất tôn trọng phim nhựa và được sử dụng liên tục. Tỷ lệ phim nhựa ở Mỹ không quá cao nhưng phần lớn các phim quay bằng phim nhựa đều được đề cử ở các giải thưởng lớn. Trong hạng mục đề cử phim xuất sắc nhất tại giải Oscar 2020, phim nhựa chiếm tới 52%. Ở liên hoan phim Cannes 2024 có 9 phim đạt giải được quay bằng phim nhựa, trong đó có giải thưởng cao nhất là giải Cành cọ Vàng" - NSƯT Bùi Trung Hải nói.

Nhớ lại quãng thời gian quay phim nhựa cùng với các đạo diễn, các nhà làm phim, NSND Lan Hương khẳng định những thước phim, cuộn phim truyện nhựa là những tạo vật vô cùng quý báu không chỉ đối với bản thân bà mà còn cả một thế hệ các nhà đạo diễn, quay phim, diễn viên của một thời đã qua.

NSND Lan Hương chia sẻ: ""Trở về Sam Sao" là bộ phim đầu tiên tôi tiếp cận điện ảnh. Ngày xưa, chúng tôi làm phim không có nhiều thiết bị chuyên dụng như bây giờ. Tôi nhớ mãi việc phải học thoại và được đạo diễn hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết và cùng tôi tập luyện để diễn chính xác rồi mới bấm máy. Hồi đó, để quay được một cảnh phim phải quay từ sáng đến chiều mới xong. Nếu muốn quay những cảnh trên cao, nhà quay phim phải tìm một thân cây cao gần đó, trèo lên, rồi bắt máy từ trên ngọn cây xuống. Vất vả và rất đỗi nguy hiểm.

Quảng cáo

Đặc biệt, việc chờ đợi in tráng phim là ký ức không thể nào quên. Khi quay xong, cả đoàn sẽ phải chờ đợi một tuần để tráng phim, và lần nào ít cảnh hỏng là cả đoàn vui sướng vỡ òa. Khó khăn vất vả thế nhưng chính những thước phim nhựa đó đã ghi lại những giá trị lịch sử của thời bấy giờ. Nếu không có những thước phim ấy, thế hệ trẻ không thể hiểu về lịch sử, cuộc sống thời xưa như thế nào"

nhung-bong-hong-gin-giu-lai-bang-chung-lich-su-33-1697767895409886500891-1722330711303176834863.jpeg

Tại Viện Phim Việt Nam vẫn có những người âm thầm làm công việc bảo tồn, gìn giữ những thước phim quý giá của dân tộc (ảnh: Nam Nguyễn)

"Vậy nên, với tôi phim nhựa nói riêng, điện ảnh nói chung chắc chắn là di sản mà chúng ta cần được bảo tồn, đừng để những cuốn phim của Hãng Phim truyện Việt Nam, của các nhà làm phim bị mai một" – NSND Lan Hương nhấn mạnh

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương TS Vũ Thị Minh Hương nhấn mạnh: "Điện ảnh là di sản. Những cuốn phim không chỉ còn kỷ niệm, câu chuyện ở cuốn phim mà còn toát lên toàn bộ cả đời sống lịch sử Việt Nam giai đoạn đó, từ bối cảnh nhà cửa, âm nhạc, âm thanh, lời thoại… Vậy nên, nếu chúng ta giữ được những cuốn phim điện ảnh, đó chính là tư liệu cực kỳ quý trong nghiên cứu lịch sử dân tộc".

Tuy nhiên TS Vũ Thị Minh Hương cho biết: "Một điều đáng buồn là từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh nhưng trong đó không có một cuốn phim điện ảnh nào. Chính vì thế, khi tham gia trong ban soạn thảo, tổ biên tập của Luật Di sản văn hóa 2009 (sửa đổi), và đây là lần đầu tiên chúng tôi bảo vệ thành công khi đưa vào một chương mới về một di sản tư liệu, qua đó sẽ mang đến nhiều cơ hội để ghi danh, công nhận di sản điện ảnh. Đó là theo khoản 3 Điều 51 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tất cả nội dung thông tin được chứa đựng trên vật mang tin là phim nhựa, phim động, phim hình ảnh động trên vật mang tin dạng số, kim loại… tất cả đều là tiềm năng của di sản tư liệu".

"Tôi rất hy vọng, khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua, sẽ có những nghị định quy định chi tiết một số điều và thông tư hướng dẫn cho toàn bộ cơ sở hiện nay đang quản lý các tư liệu chứa đựng thông tin bất kỳ trên vật thể nào, chất liệu nào để có thể xây dựng hồ sơ để trình lên Ủy ban quốc gia, chúng tôi trong hội đồng sẽ xem xét ghi danh. Với điện ảnh, tiềm năng của chúng ta chính là tư liệu phim đang được quản lý ở Viện Phim Việt Nam,…" – TS Vũ Thị Minh Hương nói.

nhung-bong-hong-gin-giu-lai-bang-chung-lich-su-37-1697767847055972174361-1722330711469524891162.jpeg

Để có thể bảo tồn các bộ phim một cách hiệu quả cần sự chung tay của cả cộng đồng (ảnh minh họa: Nam Nguyễn)

Ngày nay, điện ảnh đã chuyển đổi số, song những cuốn phim nhựa vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong việc lưu giữ ký ức, lịch sử và sáng tạo của nhân loại được ghi lại một cách sống động nhất… Cũng bởi vậy, việc bảo tồn di sản điện ảnh ngày càng được thế giới quan tâm. Nhiều quốc gia dùng nhiều cách để bảo quản phim cũ, phim câm, phim nhựa, phim đen trắng... khỏi tác động của thời gian và môi trường, đồng thời phục chế, phát huy giá trị các phim này.

Và tại Việt Nam cũng thế, dù du nhập muộn nhưng điện ảnh được nhìn nhận như một di sản văn hóa, vì ở đó chứa đựng những thông tin, tư liệu lịch sử về từng thời đại dân tộc đã đi qua. Tuy nhiên, công việc bảo quản, phục chế, giữ gìn các bộ phim điện ảnh nói chung, phim nhựa nói riêng ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để có thể bảo tồn các bộ phim một cách hiệu quả, không chỉ cần sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn trong các vấn đề về đầu tư, cập nhật công nghệ mới, đào tạo nhân lực…mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Theo toquoc.vn Copy