SÀI GÒN ĐẸP LẮM!
Chỉ có ở Sài Gòn, đêm rồi mà ngày còn chưa kết thúc, đêm rồi mà những sự kiện vẫn ăm ắp, ngày vẫn dài mãi ra và ta vẫn còn việc gì đó để làm.

Gần như lần nào ngồi ở quán cà phê trên chung cư cũ ở đường Tôn Đức Thắng, tôi cũng được nghe một bài nhạc xưa mang tên Sài-Gòn.
Bản thâu thanh ấy mở đầu bằng giọng người dẫn chương trình miền Nam: “Sài Gòn, Sài Gòn, Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông vì Sài Gòn đẹp lắm, vậy mời quý vị hãy nghe nhạc phẩm Sài Gòn với giọng ca Trúc Mai. Đây nữ danh ca Trúc Mai!”.
Sau đó điệu nhạc cha-cha-cha mới nổi lên, một điệu cha-cha-cha có khả năng khiến cả những người nghiêm túc nhất có lẽ cũng phải đu đưa theo tiết nhịp chắc nảy vui tươi.

Tôi là một người nghiêm túc như thế. Tôi là một người Hà Nội, và như mọi hình dung rập khuôn nhất về một người Hà Nội, tôi lớn lên trong một môi trường trọng sự ý tứ và khép nép, và trở thành một người Hà Nội rất mực nghiêm túc và khép kín. Ấy thế mà lạ chưa, cứ mỗi lần đặt chân ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, hoà vào bầu không khí đi tìm… anh tài xế Grab Bike nào là người mình vừa đặt trong biển Grab Bike chật cứng, phải vươn tay lên thật cao mà vẫy mà gọi để nhận ra nhau, là ngay lập tức, cái phần Hà Nội khép nép trong tôi tự nhiên biến phăng đi đâu hết cả.


Chỉ có ở Sài Gòn
Một buổi chiều nọ, tôi gặp một biên tập viên trong quán cafe ở quận Ba. Ngồi nói chuyện văn chuyện đời được một lát, đến năm giờ chiều, chị rủ tôi “đi nhậu không”. Không phải ở Hà Nội tôi chẳng bao giờ đi nhậu, nhưng đi nhậu lúc 5 giờ chiều, thì chẳng bao giờ cả. Đó là một buổi tối kỳ quặc, khi tôi ngồi đến tám giờ trong một quán cocktail trong ngôi nhà cũ trên đường Hoàng Sa – nơi treo đầy tranh sơn dầu và hai vị chủ quán đều là thi sĩ, một người từ vóc dáng đến cách ăn vận đều như Trịnh Công Sơn thời trẻ, ngồi ôm cây đàn guitar hát Lệ Đá, Còn Tuổi Nào Cho Em… và khách khứa lúc thì lặng im nghe hát, lúc lại cùng nghêu ngao hoà giọng với anh – sau khi đã uống hai ly với rượu ớt nhà ngâm, tôi có hẹn với dì nên xin phép.
Để rồi tới lúc về tới nhà dì, mới phát hiện ra mình đã cầm nhầm chiếc túi của chị biên tập viên theo, nhưng lại để quên nó trong xe Grab. Vậy là mười hai giờ đêm hôm ấy, người tài xế Grab sau ngày làm việc dài, mang cho tôi chiếc túi xách ở ngay gần quán cocktail đã đón, còn tôi, mặc bộ đồ pijama lang thang đi tìm lối vào phụ bởi đường chính vào quán đã đóng cửa rồi, và sau đó ngồi một mạch tới một, hai giờ sáng cùng người bạn của mình – đã có thêm mấy gương mặt khác tới nhập cuộc, đều là các bạn văn. Rượu cũng đã tan. Nhưng cuộc chuyện vẫn chưa tàn. Ánh trăng chiếu từ ngoài ô cửa sổ sáng dịu dàng, chiếu lên những bức tranh nhập nhoạng.


Mãi về sau khi nghĩ lại chuyện ấy, tôi vẫn nghĩ nó chỉ có thể diễn ra ở Sài Gòn, một đêm của bạn bè âm nhạc và thơ phú. Nó sẽ không thể diễn ra ở Hà Nội, với một con người cứ đều như vắt tranh, mười một giờ đêm là đã tắt đèn lên giường trùm trong chăn ấm như tôi, gần như chẳng có tiếng gọi đêm nào ở Hà Nội có thể lôi tôi ra đường vào giờ ấy cả.
Hòa mình vào Sài Gòn
Một trong những cuốn sách hay nhất về Sài Gòn, từng được tái bản biết bao lần bất chấp tác giả của nó chẳng mong được tái bản, Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc, trong cuốn sách ấy, tôi nhớ có một chương Bình Nguyên Lộc nói về chùa chiền đền miếu của thành phố, ông kể chuyện đền thờ Ấn Độ ở Sài Gòn mà tục gọi là chùa Bà Đen, chẳng những người Ấn mà người Việt dù không thờ thần Vishnu cũng vẫn không ngừng lui tới tấp nập, hay “đi ngang qua chùa Bà La Môn giáo ở đường Tôn Thất Thiệp, nghe thứ nhạc mà viên kỹ sư trong tiểu thuyết danh tiếng Gió Mùa bảo phải nghe đến năm trăm năm mới hiểu được [...] không ai là không để thần trí lộn ngược dòng năm tháng lên tận nguồn thời gian…”.
Tất nhiên là chẳng ai đã sống năm trăm năm mà hiểu được, ấy thế mà, không cần hiểu gì, cũng chẳng cần phải đúng tín ngưỡng, đôi khi ta vẫn để mình lạc mình bước vào những thánh đường Cao Đài, thánh đường Ấn Độ giáo, những ngôi chùa thờ Ngọc Hoàng như một tín đồ đích thực.
Xét cho cùng, có lẽ cảm thức ấy cũng hệt như Vũ Bằng khi vào Sài Gòn, thưởng thức những món lạ nơi đây, dù hương vị lạ hoắc so với khẩu vị của mình, nhưng vẫn không thể không bị cuốn theo cái sự kỳ lạ “nhiều khi không thể tưởng tượng ấy”, bị cuốn vào cái tình cảm “được các người xa lạ thương yêu như mẹ thương con, như vợ thương chồng, như em gái thương anh, chăm bón cho những miếng ngon vật lạ để khuây khỏa nỗi lòng của người mang nặng bảy tám biệt ly một lúc”.


Vì sao ư? Có lẽ vì khắp đất nước Việt Nam, chẳng có thành phố nào lại ít sự “phòng thủ” với khách viếng thăm, với người ngoại cuộc như Sài Gòn, chẳng có thành phố nào luôn luôn như một buổi sinh hoạt tập thể, một buổi hát đồng ca mà ai cũng có thể góp giọng vào dù hát hay hay dở, hát trầm hay bổng, và trước cả khi ta nhận ra mình đã bắt nhịp vào đời sống ấy thì ta đã là một phần của đoàn diễn xướng từ lúc nào chẳng hay.

Nhưng thế vẫn chưa phải điều kỳ lạ nhất. Kỳ lạ nhất là, ngay cả khi vài năm trời ta đã cách xa thành phố ấy, đã trở lại thói quen sống thường nhật khép kín của mình, đã tưởng như quên sạch thế nào là “ăn quận Năm, nằm quận Ba, lê la quận Nhất”, chỉ cần ta bước ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, thì chẳng cần đến một khắc, tự nhiên Sài Gòn lại nhập vào ta, và ta chẳng cần phải học cách để bắt nhịp vào thành phố ấy.
Thành phố vẫn luôn ở trong ta!