Ngày 12/9, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản thống nhất chủ trương thí điểm xe buýt không trợ giá phục vụ du lịch nội thị Nha Trang, theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải.
Thời gian thí điểm trong 12 tháng kể từ khi đưa xe vào vận hành, tuy nhiên ngày khai trương chuyến đầu tiên chưa được công bố. Đây là lần đầu tiên Nha Trang cung cấp trải nghiệm này cho du khách, tương tự hình thức đang được áp dụng ở một số thành phố du lịch khác như Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Lạt,...
Tuyến số 1 “Nha Trang - City Tour” có cự ly 23km, gồm 5 xe di chuyển liên tục trong khung giờ từ 8h30p đến 18h30p hàng ngày, chạy vòng tròn qua 11 điểm dừng đón trả khách với 16 lượt xe, mỗi lượt xe cách nhau 30 phút, thời gian một chuyến kéo dài 120 phút.
Tuyến buýt ban ngày chạy trên các đường trung tâm như đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Tôn Thất Tùng, 2/4, Yersin, 23/10, Thái Nguyên,... Xe dừng ở một số điểm du lịch nổi tiếng như Viện Hải dương học, Bảo tàng Khánh Hòa, Bảo tàng A.Yersin, Tháp Bà Ponagar, Chùa Long Sơn, Nhà Thờ Núi,...
Tuyến số 2 “Nha Trang SightSeeing Tour” có cự ly 14km, gồm 5 xe di chuyển liên tục từ 19h đến 22h45p hàng ngày, chạy vòng tròn qua 4 điểm dừng đón trả khách với 12 lượt xe, mỗi lượt xe cách nhau 15 phút, thời gian một chuyến kéo dài 60 phút. Tuyến buýt này chạy trên các đường ven biển Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng và dừng ở các điểm như công viên Thanh Niên, Phù Đổng hay Quảng trường 2 tháng 4 cho khách tham quan, ngắm biển, dạo phố hay mua sắm.
Các xe buýt sử dụng có sức chứa khoảng 20 chỗ, là loại xe du lịch đặc thù, thiết kế thoáng nóc một tầng, có điều hòa khoang kín, vách ngăn khoang kín và khoang hở, hệ thống mái che di động, hệ thống âm ly, micro sử dụng để thông báo. Xe có camera ở khoang lái, hệ thống cửa lên/xuống điều khiển bằng điện, hệ thống sạc từng dãy ghế… và được trang bị thêm cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Du lịch Tây Thái Bình Dương (gọi tắt là Công ty Tây Thái Bình Dương) có đề xuất mở mới 2 tuyến xe buýt không trợ giá phục vụ phát triển du lịch trong thành phố Nha Trang, giá vé dự kiến từ 75.000 đồng - 250.000 đồng/lượt khách.
Qua họp đánh giá, các cơ quan chức năng cho rằng cần dựa theo chi phí vận hành và nhu cầu sử dụng dịch vụ của hành khách để đưa ra giá vé phù hợp, đề nghị Công ty Tây Thái Bình Dương xây dựng lại phương án cụ thể về giá vé và hình thức tổ chức bán vé theo tính chất tuyến du lịch.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn thành phố Nha Trang chưa triển khai tuyến xe buýt nào chuyên để kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Các tuyến xe buýt nội thị Nha Trang chỉ khai thác chuyến cuối cùng xuất bến lúc 18h, không có tuyến xe buýt chuyên phục vụ khách vào ban đêm.
Trong khi đó, lộ trình hoạt động các tuyến xe buýt đưa hành khách đi qua hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn thành phố Nha Trang; các điểm xuất phát tuyến, điểm dừng trên tuyến chủ yếu tận dụng điểm dừng xe buýt có sẵn. Phương tiện đưa vào sử dụng cũng là loại xe buýt nhỏ, dễ vận hành so với hiện trạng đường giao thông nhỏ hẹp, thường xuyên bị ùn tắc trên địa bàn Nha Trang.
Vì vậy việc mở mới các tuyến xe buýt để kết nối các điểm tham quan du lịch thành phố Nha Trang là phù hợp với chủ trương về phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế ban đêm cũng như để nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, giúp hoàn thành các mục tiêu mà tỉnh đề ra về phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá và công bố mở tuyến lựa chọn đơn vị vận tải khai thác tuyến theo đúng các quy định; chủ trì tổng hợp kết quả thí điểm các tuyến xe buýt và báo cáo, tham mưu các vấn đề liên quan sau thời gian thí điểm,... Đồng thời lưu ý, phương tiện đảm bảo yêu cầu tổ chức kỹ thuật môi trường theo quy định; nhà đầu tư phải cam kết chuyển đổi phương tiện theo lộ trình thực hiện Đề án Kinh tế xanh của tỉnh.