Ở đâu đó, tiếng chuông chùa vang lên, hòa vào không gian như một lời nhắc nhở rằng mùa xuân, cũng như ký ức, luôn quay lại theo một cách nào đó.

Mùa xuân đến Đài Bắc cũng chậm rãi như sự đặc trưng của thành phố này. Từ giữa tháng Hai, khi Tết nguyên tiêu vừa qua, những cơn gió nhẹ lướt qua từng con hẻm nhỏ, kéo theo mùi hương cà phê thơm lừng. Tôi ngồi bên ô cửa sổ của quán Simple Kaffa (một thương hiệu cà phê địa phương rất được ưa chuộng) cơ sở đầu tiên ở gần công viên sáng tạo Huashan 1914, nhìn dòng người đi lại.
Rồi bất chợt cơn mưa ập tới, những chiếc ô được bật lên, như điệu vũ dịu dàng giữa trời xuân. Sau cơn mưa này, hoa anh đào sẽ nở. Người ta nói rằng khi Đài Bắc vào xuân, thời gian như trôi chậm hơn, giống như những ký ức đang tìm đường quay về…
Lễ hội của thời gian

Lễ hội mùa xuân ở Đài Bắc không chỉ mang theo ánh sáng rực rỡ của những ngày đầu năm mới ngập tràn tiếng cười, mà còn mang theo nhiều mảng ký ức đan xen nhau, luẩn khuất trong những góc phố cổ. Đến Tây Môn Đinh (Ximending) dịp Tết nguyên tiêu đúng lễ hội đèn lồng, tôi bước qua những con phố với những chiếc đèn treo lơ lửng phát ra ánh sáng vàng nhạt nhưng những con đom đóm trong đêm. Người ta viết lên đèn nhiều câu nguyện ước cho một năm mới bình an, một mùa xuân ấm áp.
Rồi lại gặp một cơn mưa bất chợt, tôi dừng lại ở quán bên đường, ăn một dĩa sủi cảo và quả trứng ngâm trà. Nhìn sang phía bên kia đường, một cây anh đào bắt đầu có hoa rủ xuống, khẽ lay động trong từng cơn gió. Tôi ngồi đó, chợt nhớ đến một bộ phim cũ của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền. Trong Three Times, giai đoạn 1966 mang tên “Thời đại của tình yêu”, hai nhân vật do Thư Kỳ và Trương Chấn thủ vai có một tình yêu chớm nở nhưng chưa kịp thành hình.
Họ trú mưa trong một tiệm ăn nhỏ và rồi khi tiếng nhạc lãng mạn của bản Rain And Tears vang lên, cái nắm tay thật chặt tạo nên cảm giác tươi mới như mùa xuân vừa đến trong những rung động đầu đời và cả cơn mưa tuổi trẻ.

Muôn vị nhân sinh
Chợ đêm vốn là “đặc sản” của Đài Bắc, nhưng khi mùa xuân bắt đầu, người ta tìm tới các khu chợ sau kỳ nghỉ năm mới để tìm lại nhịp sống quen thuộc. Tôi lang thang ở chợ đêm Sĩ Lâm, nhặt một xiên thịt nướng còn bốc khói, cảm nhận vị cay ngọt của thịt cùng nước sốt hòa tan trong miệng. Người bán hàng mỉm cười nhìn tôi tận hưởng món ăn rồi gật đầu chào, có cảm giác như đã biết nhau từ lâu.
Trong một con hẻm nhỏ gần khu ẩm thực Vĩnh Khang (Yongkang), tôi dừng lại ở một tiệm trà cũ. Chủ quán pha một ấm ô long, chậm rã đặt xuống trước mặt tôi. Tôi nhìn những cánh trà dần bung nở, từ tốn rót trà để mùi hương dần lan tỏa trong không gian. Mùi trà nhẹ nhàng, lẫn trong tiếng trumpet của Chet Baker phát ra từ chiếc loa cũ kỹ. Tôi nghĩ, có lẽ mình sẽ nhớ mãi khoảnh khắc này khi mùa xuân trôi qua.

Tôi bước ra khỏi quán trà, đi dọc con đường ở một công viên nhỏ. Có những cánh hoa rơi và một đôi vợ chồng già ngồi trên ghế đá, lặng lẽ nhìn về phía xa, bên những tòa chung cư cổ có lẽ đã tồn tại gần trăm năm. Cảnh tượng ấy khiến tôi tự hỏi: “Bao nhiêu cuộc đời đã trôi qua giữa những con đường này? Bao nhiêu câu chuyện đã bắt đầu và kết thúc ở góc phố kia?!”.
Về hồ Nhật Nguyệt
Tôi quyết định xuống Đài Trung vào một ngày không cần có lịch trình cụ thể. Chuyến tàu rời đi từ buổi sáng sớm và đến trưa, tôi đã tới Hồ Nhật Nguyệt. Mặt nước mùa xuân tĩnh lặng như một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời trong vắt sau cơn mưa đêm hôm trước. Tôi thuê chiếc xe đạp, bắt đầu đạp chậm rãi quanh hồ trong không khí dễ chịu, trong lành.
Món ăn nổi tiếng, vào loại tuyệt tác ở đây chính là cá hồ nấu thuốc bắc, không thể nào bỏ qua. Tôi cắn một miếng, vị ngọt thanh của cá hòa quyện với nước dùng dậy mùi nhiều loại dược liệu quen thuộc, như bản giao hưởng muôn màu muôn vị của ẩm thực Đài Loan. Hồ Nhật Nguyệt còn có hàng trứng trà Bà Già – được coi là khởi nguồn của món trứng ngâm trà. Vị trứng ở đây còn thơm mùi nấm hương, đậm đà nhớ mãi.

Buổi chiều tà, khi hoàng hôn dần xuống, tôi ghé bến cảng và ngồi uống một lon bia. Hồ Nhật Nguyệt lúc này lấp lánh thứ ánh sáng huyền ảo cuối ngày, tạo nên khung cảnh rung động. Một cơn gió lao xao thổi nhẹ, mang theo thứ âm thanh mơ hồ phát ra từ quán nào đó tiếng hát của Đặng Lệ Quân. Đó là bài Điềm Mật Mật quen thuộc nhưng cứ thế xa dần, lẩn khuất qua từng cơn gió khi màn đêm buông.
Giữa quá khứ và thực tại
Trở lại Đài Bắc, tôi đi dạo qua những con phố nhỏ ở khu phố cổ trăm năm Đại Đạo Trình (Dadaocheng). Từng là trung tâm thương mại sầm uất, nhưng giờ nơi này chỉ còn lại những quán trà cổ kính và dãy cửa hàng bán đồ thủ công. Tôi bước vào một tiệm nhỏ, nơi người ta vẫn còn làm đèn lồng bằng tay và viết một lời chúc bình an cho gia đình. Lâu rồi mới có cảm giác cầm bút lông và viết tay.
Chiều hôm sau, tôi lên Núi Voi để ngắm toàn cảnh Đài Bắc và tòa tháp Taipei 101 trong ánh hoàng hôn. Thành phố lên đèn, như một biển sáng vô tận len lỏi qua các tòa cao ốc. Tôi nhắm mắt lại, nghe nhịp đập của thị thành trong lòng bàn tay. Ở đâu đó, tiếng chuông chùa vang lên, hòa vào không gian như một lời nhắc nhở rằng mùa xuân, cũng như ký ức, luôn quay lại theo một cách nào đó.

Mùa xuân Đài Bắc không quá rực rỡ và phô trương mà tràn ngàn sự dịu dàng, thong thả. Nó len lỏi vào từng góc phố, từng mái hiên cũ kỹ, từng chiếc bàn gỗ trong quán trà xưa cũ hay một tiệm ăn chỉ bán duy nhất một món tiểu long bao. Cũng như thời gian, trôi chậm rãi nhưng không bao giờ dừng lại. Trong từng làn gió xuân, thành phố kể cho ta nghe những câu chuyện không lời.
Khi rời đi, ta biết rằng nó sẽ luôn ở đó, giữa lòng ký ức, như một bản nhạc không bao giờ dứt.