Hội thảo y khoa tại TP.HCM cập nhật các phương pháp điều trị chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ

Sự kiện mang đến nhiều góc nhìn thực tiễn, tổng hợp những nghiên cứu mới và phương pháp điều trị hiện đại trong lĩnh vực cơ xương khớp.

Gần 500 bác sĩ đã tham dự hội thảo đào tạo y khoa liên tục (CME) với chủ đề “Tiếp cận các vấn đề chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ”, do Bệnh viện FV tổ chức tại TP.HCM.

Điều trị trật khớp vai: Cân nhắc giữa phẫu thuật và bảo tồn

Mở đầu chương trình, PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ về chiến lược điều trị trật khớp vai lần đầu – một tình trạng phổ biến, nhất là ở người chơi thể thao.

Theo thống kê lâm sàng, khoảng 50% bệnh nhân điều trị bảo tồn không bị tái trật khớp. Tuy nhiên, phẫu thuật – đặc biệt là nội soi Bankart – có thể giảm tỷ lệ tái phát từ 55% xuống 10%, đồng thời giúp bệnh nhân sớm quay lại vận động. Việc quyết định phương pháp điều trị phụ thuộc vào yếu tố như độ tuổi, mức độ tổn thương xương, nhu cầu vận động và kết quả khám thực thể.

PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng – Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, Trường Đại học Y Dược TP. HCM

Ngón chân cái vẹo ngoài: Biến dạng thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua

TS.BS. Lê Trọng Phát, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay (Bệnh viện FV), trình bày về bệnh lý ngón chân cái vẹo ngoài – một dạng biến dạng xảy ra tại khớp gốc ngón cái, làm ngón nghiêng về phía các ngón nhỏ hơn. Khoảng 23% người trưởng thành mắc phải, với tỷ lệ ở nữ giới cao hơn do thường xuyên mang giày cao gót.

Bệnh chia làm 4 mức độ, từ nhẹ không triệu chứng đến nặng gây đau và viêm khớp. Những trường hợp nhẹ có thể sử dụng miếng đệm, nẹp chỉnh hình; khi biến dạng ảnh hưởng vận động thì cần phẫu thuật. Trong số hơn 130 kỹ thuật phẫu thuật trên thế giới, ba phương pháp Chevron, Lapidus và Scarf được đánh giá cao. Phẫu thuật Scarf, tuy phức tạp, đã cho kết quả tốt với mức hài lòng cao mà không ghi nhận biến chứng trong các ca được thực hiện tại FV.

TS.BS. Lê Trọng Phát – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV

Hiểu đúng về bàn chân bẹt ở trẻ em

Một nội dung khác nhận được sự quan tâm là vấn đề bàn chân bẹt mềm dẻo ở trẻ em – được trình bày bởi BS.CKII. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (Bệnh viện FV). Theo bác sĩ, tỷ lệ trẻ 2 tuổi có bàn chân bẹt lên đến 94-100%, nhưng phần lớn phát triển vòm chân bình thường khi lớn lên.

Bàn chân bẹt được chia thành hai dạng: cứng và mềm dẻo (chiếm 91%). Với dạng mềm và không có triệu chứng, không cần can thiệp y tế. Việc lạm dụng dụng cụ chỉnh hình không những không hiệu quả mà còn có thể tạo áp lực tâm lý cho trẻ.

Phẫu thuật chỉ được cân nhắc nếu trẻ sau 8 tuổi có biểu hiện đau, dáng đi bất thường, dễ vấp ngã. Phương pháp đang được áp dụng hiệu quả là phẫu thuật nâng khớp dưới sên – kỹ thuật đơn giản, thời gian thực hiện 5–15 phút, đã cho kết quả khả quan trên 50 ca bệnh tại FV.

Quảng cáo

BS.CKII. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm – Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV

Kiểm soát đau – Yếu tố then chốt sau phẫu thuật thay khớp

Trong phần trình bày về kiểm soát đau sau phẫu thuật thay khớp gối và háng, ThS.BS.CKII. Lý Quốc Thịnh (Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện FV) cho biết: tỷ lệ bệnh nhân bị đau mạn tính sau phẫu thuật thay khớp vẫn còn cao, dao động từ 7–23% (khớp gối) và 13–44% (khớp háng).

Để cải thiện hiệu quả điều trị, giảm đau được triển khai theo hướng tiếp cận đa mô thức: sử dụng kết hợp thuốc giảm đau, kỹ thuật phong bế thần kinh, liệu pháp tâm lý và vật lý trị liệu sớm. Bệnh viện FV cũng áp dụng quy trình "Phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS)", khuyến khích bệnh nhân vận động trong vòng 24 giờ đầu. Đây là một trong những yếu tố giúp rút ngắn thời gian hồi phục, giảm biến chứng và tăng mức độ hài lòng sau mổ.

Phẫu thuật điều trị bàn chân bẹt ở Bệnh viện FV

Viêm đa khớp dạng thấp: Điều trị sớm để ngăn biến chứng

ThS.BS. Nguyễn Châu Tuấn (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ về viêm đa khớp dạng thấp – một bệnh lý mạn tính do viêm màng hoạt dịch, phá hủy sụn và xương, có thể dẫn đến tàn phế nếu không kiểm soát kịp thời. Bệnh chiếm tỷ lệ 1–2% dân số, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Điều trị hiệu quả cần sự phối hợp giữa thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật khi cần thiết. Việc cá thể hóa phác đồ là rất quan trọng, bởi nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người có thể khác nhau. Mục tiêu điều trị hiện nay là kiểm soát triệu chứng, duy trì chức năng khớp và ngăn ngừa biến chứng lâu dài.

ThS.BS.CKII. Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây Mê Hồi Sức, Bệnh viện FV

Vai trò của y học chứng cứ trong lựa chọn điều trị

Tổng kết hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của y học chứng cứ trong thời đại thông tin. Việc áp dụng các dữ liệu nghiên cứu đã được kiểm chứng giúp bác sĩ có căn cứ khi lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho từng bệnh nhân, thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc thông tin chưa được xác thực.

PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng khẳng định: “Y học chứng cứ là kim chỉ nam trong thực hành lâm sàng hiện đại, giúp bác sĩ tránh lạc hướng giữa quá nhiều nguồn thông tin và nâng cao chất lượng điều trị.”

Theo Ấn phẩm LOOK