Lần này tới Penang, tôi cũng hơi ỷ y thành phố nhỏ, lại trong khu vực Đông Nam Á, người dân thạo tiếng Anh, nên hầu như không tìm hiểu thông tin trước chuyến đi. Rốt cuộc đến nơi cũng bối rối một phen, vì chẳng biết mình nên ăn gì, đi chơi đâu, làm gì lúc rảnh rỗi. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng ổn thỏa, vì hóa ra Penang bao dung với mọi khách phương xa, theo cách hiền hòa và dịu dàng nhất…

Từ Hà Nội, tôi bay tới Kuala Lumpur rồi bắt xe bus chất lượng cao tới Penang, tổng thời gian di chuyển và chờ đợi hết khoảng 12 tiếng, coi như mất nguyên một ngày. 6h sáng còn ở Hà Nội, 20 giờ tối đã lang thang ở bãi biển Batu Ferringi, loay hoay tìm chỗ ăn, và cuối cùng, tạt bừa vào một quán ven đường, gọi món char kway teow như mọi bàn ăn xung quanh.

Quyến rũ hawker food

Những sợi mỳ gạo dẹt nằm trong nước sốt ánh lên màu óng ả, trộn lẫn giá đỗ, hẹ và hành hoa, cùng trứng và rất nhiều tôm đã giúp tôi lấy lại sinh lực rất nhanh, xua tan cả cơn buồn ngủ. Về tới khách sạn google mới biết, hóa ra Penang thường xuyên được bầu chọn vào danh sách những thành phố châu Á có nền ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất, thậm chí có thuật ngữ riêng để gọi, là hawker food.

Tôi thấy chẳng có gì sai, vì trưa hôm sau vào một quán vỉa hè khác, thử món bún trộn cay xé lưỡi assam laksa, đúng là ngất ngây với nước me chua và topping hải sản tươi rói. Món “quôc hồn quốc túy” của Malaysia ăn ở đâu chắc cũng ngon vậy thôi, nhưng trong cơn gió biển mơn man qua da thịt, nó lại mang một phong vị khác.

Mỗi bữa tiếp theo, tôi đều thử một món nổi tiếng, nhận được nhiều gợi ý trên các hội nhóm du lịch. Đó là nasi kandar, cơm cà-ri tôm kiểu Ấn, đó là lor bak – thịt gà (hoặc thịt lợn, nếu chủ quán là người gốc Hoa) xay nhỏ, xay nhỏ ướp gia vị chiên giòn chấm nước sốt cay đã đời.

Đó còn là súp koay chiap, món “độc” cho người thích lạ miệng với nguyên liệu chính là tai, lưỡi, gan, tim tiết vịt và lợn. Một trong vài nhà hàng koay chiap ngon nhất Penang lại nằm trong George Town, trái tim của thành phố, nơi bất kỳ du khách nào cũng phải ghé thăm…

Bình lặng George Town

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vào năm 2008, George Town pha trộn giữa ba phong cách kiến trúc tương đối khác biệt: Hồi giáo, Trung Hoa và thuộc địa, tiếng đọc kinh rì rầm vang lên trong không gian lẩn quất mùi hương từ các tiệm buôn của người gốc Hoa, và đối diện có thể là một căn biệt thự với ô cửa sổ cao kiểu Pháp, gạch đá hoa cổ điển, nấp trong vườn tược xanh um.

Dù là điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Penang nhưng George Town luôn yên ắng, thư thái, cửa hàng, tiệm ăn đóng cửa từ chiều thứ Bảy cho tới hết Chủ nhật, trong ngày thường cũng phải đến tận buổi chiều mới tạm gọi là đông khách.

Tôi thì thích rẽ vào những ngõ nhỏ quanh co, mỗi ngã rẽ đều có thể đưa đến một bất ngờ thú vị, mà nhiều nhất vẫn là những nhà nguyện do dân Ấn Độ nhập cư hoặc dân địa phương xây dựng. Chỉ đi qua dăm con phố thôi là đã đến tòa nhà Cheong Fatt Tze, khởi công vào năm 1890, nơi cư ngụ của một người từng được ví là “Rockfeller của phương Đông”.

Nó đúng là một ví dụ điển hình của nghệ thuật phong thủy, khi được xây với 7 cầu thang, 5 khoảng sân rộng lát đá granit, 38 phòng và 220 cửa sổ, các chi tiết thủ công được làm tinh xảo, cầu kỳ, tất cả còn được giữ gìn nguyên vẹn đến tận ngày nay. 

Cách đó không xa là khu Little India với đền Hindu Sri Maha Mariamman có hơn 40 tượng thần thuộc Ấn Độ giáo đẹp đẽ, bí ẩn cùng những nghi thức cầu nguyện độc đáo. Riêng tôi mê mẩn những cửa tiệm bán trang phục và đồ lưu niệm theo đúng truyền thống nơi quê nhà, chưa kể vô ván quán ăn, nhà hàng Ấn “chính hiệu”, mà cứ đến trưa và sẩm tối lại dậy mùi cà-ri, như tẩm ướp cả một khoảng không gian rộng lớn.

Pháo đài Cornwallis, Bảo tàng Hồi giáo Penang hay phố Armenia cũng là những “cục nam châm” thu hút khách du lịch ở George Town, chưa kể những di tích tôn giáo quan trọng như “chùa Thái” Burma Lane – nơi có một trong những tượng Phật nằm dài nhất thế giới (33m), nhà thờ Assumption, nơi lưu trữ cây đàn organ cổ nhất ở Malaysia, có xuất xừ từ châu Âu.

Nhà trên sông, chùa trên đồi

Trước khi bóng tối kịp buông xuống, tôi cũng đã đến Chew Jetty, khu dân cư trên sông, cũng là một di sản văn hóa khác ở Penang. Đây là công trình của cộng đồng người Hoa gốc Phúc Kiến, mọc lên từ giữa thế kỷ 19. 75 ngôi nhà như dừng lại bên lề cuộc sống, lặng lẽ, bình thản với những giá trị cũ, tập tục cũ. Nhà nhỏ, lối đi nhỏ, tất cả đều bằng gỗ, ở sát mép nước và hầu hết cư dân cũng theo nghề đánh cá, luôn thờ ơ với du khách và với cả những biến động của cuộc sống chộn rộn ngoài kia…

Sáng hôm sau, tôi hòa theo dòng người bước cả trăm bậc thang để vào xe điện lên thăm Kek Lok Si (Cực Lạc Tự), ngôi chùa linh thiêng nhất thành phố, tọa lạc trên một ngọn đồi. Tòa tháp chính của chùa được kết hợp từ ba phong cách kiến trúc Trung Hoa ở khối đế, Thái Lan ở phần giữa và Burma ở phía trên cùng. Đây là một trong những quần thể Phật giáo lớn và nổi tiếng nhất khu vực Đông Nam Á với tượng Quan Âm bằng đồng cao 30,3m, 16 cây cột chạm trổ hình rồng rực rỡ và sống động cùng hàng ngàn tượng Phật khác.

Tuy nhiên, với riêng tôi, Cực Lạc Tự trông mới quá, hiện đại quá, bề thế quá, không có vẻ u nhã, thâm trầm và tĩnh tại, vốn là thứ tôi rất kỳ vọng ở mọi ngôi chùa mình ghé thăm. Cũng phải thôi, vì Cực Lạc Tự giống một điểm du lịch hơn là chốn thanh tu, và đoàn du khách nườm nượp kia cũng mang tâm thế đi vãn cảnh nhiều hơn là chiêm bái và đảnh lễ các vị Phật.

Buổi chiều cuối cùng ở Penang, tôi dành thời gian đi dạo phố và mua sắm ở khu trung tâm, với ba khu thương mại sầm uất được gợi ý nhiều nhất là Gurney Plaza, Gurney Paragon Mall và Queensbay Mall. Nhưng cuối cùng tôi lại bị quyến rũ bởi sự sôi động của Auto-City, nơi có thể thoải mái đắm chìm trong tiếng nhạc thời thượng, tung tăng bới đồ trong các shop outlet, ăn đồ ngon với giá phải chăng và xem đủ loại triển lãm của giới nghệ sĩ không chuyên.

Mệt mỏi ư, ngột ngạt ư, tôi đã biết cách làm dịu cơn khát bằng ice kacang, món tráng miệng nổi tiếng làm từ đá bào trộn thạch ngô, đậu đỏ. Quá hoàn hảo cho một ngày oi bức...