Facebook Twitter Google
Google

Logo

Sức sống của những hoài niệm

Trào lưu tìm về với vintage và retro trong nửa đầu năm 2020 dường như có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong cơn bất an giữa đại dịch, chúng ta vô thức muốn tìm đến cảm giác an toàn và hoài niệm, nên những món trang phục của một thời xa vắng chính là một giải pháp…

Rất nhiều lần, các chuyên gia đã thắc mắc, vì sao xu hướng vintage và retro luôn có chỗ đứng trong mỗi mùa thời trang, trong khi các nhà mốt không hề thiếu thiết kế và mẫu mã mới? Trên thực tế, không ai có thể đưa ra đáp án chính xác, người ta thường viện dẫn câu nói khá quen thuộc: thời trang chính là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên…

Tưởng giống mà vẫn khác

Ở đây, cần làm rõ hơn hai khái niệm tuy rất gần gũi với nhau về mặt ý nghĩa nhưng vẫn hàm chứa nhiều khác biệt cơ bản. Với vintage, tinh thần hoài cổ được thể hiện trọn vẹn và đủ đầy từ đường kim mũi chỉ cho đến phom dáng, chất liệu, còn retro, đó là sự biến tấu, sáng tạo từ các ý tưởng cũ, kết hợp chúng với những gì thuộc về đương đại. Ngày nay, các designer thường lấy cảm hứng từ thời trang giai đoạn 1940 – 1980 cho các  thiết kế mới, và đây cũng là quãng thời gian thăng hoa của  âm nhạc, kiến trúc và điện ảnh, những môn nghệ thuật để lại khá nhiều ảnh hưởng lên thời trang.

Có nhiều lý do để người ta không thể không đắm say với những mẫu trang phục mang tính hoài cổ. Hai thập niên 1960 – 1970 được xem là một cột mốc quan trọng của làng thời trang, khi nét lãng mạn và dịu dàng kiểu cổ điển hòa nhập hoàn toàn với những dấu ấn hiện đại, tạo ra vô số chuẩn mực mới cho cả thế giới noi theo. Không ngạc nhiên khi xu hướng trang phục của hai thập niên này thường được vận dụng nhiều nhất trong các thiết kế retro nhờ khả năng “miễn nhiễm” với sự tàn phá của thời gian.

Sức sáng tạo vô hạn của các nhà tạo mẫu năng hiển nhiên mang đến cho thời trang đương đại vô số kiệt tác, nhưng đôi khi, chúng quá táo bạo, quá lạnh lùng và hoàn toàn xa rời nhưng tiêu chuẩn cơ bản của sự thanh lịch. Còn những thiết kế kiểu vintage hoặc retro thường bắt mắt theo kiểu ấm áp, gần gũi và lan tỏa sự tinh tế một cách… tinh tế.

Tại sao ư? Có thế thấy rõ, chúng luôn tôn làm nổi bật những ưu điểm nổi trội của cơ thể người phụ nữ. Chúng được tạo ra để tôn vinh cái đẹp và không gì ngoài cái đẹp. Chưa kể, các thiết kế mang phong cách cổ điển luôn có tính ứng dụng cao, chủ yếu dùng để mặc trong cuộc sống thường nhật chứ không phải chỉ để trưng trổ trên sàn catwalk.

Như mùa xuân hè năm nay, rất nhiều nhà mốt đưa màu neon (màu phản quang) vào bộ sưu tập của mình, như một sự gợi nhớ đến ánh đèn vũ trường rực rỡ của thập niên 1980. Theo đó, thiết kế của các trang phục dùng màu neon cũng mang đậm tinh thần retro, tuy mới mẻ, cách tân nhưng vẫn ẩn chứa nét lịch lãm không thể che giấu, như mẫu đầm suông dùng vải xếp li của Valentino, đầm hai dây khoét ngực của Jacquemus hay bộ suit của Courrèges.

Còn Gucci lại đắm đuối trong cuộc chơi logo theo kiểu psychedelic (ảo giác) của những năm cuối thập niên 1960, khi trào lưu hippy và phong trào phản kháng xã hội lan rộng hai bên bờ Thái Bình Dương.

Nguồn cảm hứng bất tận

Ngay cả những người trẻ tuổi cũng bị thời trang vintage và rertro chinh phục. Bắt kịp xu hướng đã không còn là tôn chỉ mục đích, ngược dòng về với những giá trị cũ trên nền tảng hiện đại có khi lại là cách thể hiện cá tính và sự sành điệu đầy khéo léo. Hãy nhớ rằng, phong cách retro của thế kỷ 21 vừa ẩn chứa vẻ quyến rũ cổ điển vừa tràn ngập hơi thở thời đại.

Lấy hình tượng nhân vật Claudia Kishi trong series The Baby-Sitters Club của Netflix làm ví dụ, đội ngũ phục trang đã biến cô bé thành một biểu tượng thời trang retro điển hình, mà bất kỳ fashionista nào nhìn vào cũng phải trầm trồ thán phục về cách phối ghép trang phục, phụ kiện, màu sắc… 

Và Claudia Kishi thực sự khác biệt so với mọi thiếu nữ trong cả series. Bởi đôi khi, thời trang đương đại biến quần áo thành đồng phục và khiến tất cả đều giống nhau. Còn bất kỳ ai dám tin tưởng rằng trang phục có thể nói lên rất nhiều thứ về bản thân, người đó hẳn sẽ chọn những thiết kế theo phong cách retro để từ đó vượt ra khỏi ranh giới giữa các xu hướng để trở thành độc nhất vô nhị.

Huyền thoại Karl Lagerfeld từng nói, “có ba thứ không bao giờ lỗi mốt, là quần jeans, sơ-mi trắng và vải tweed của Chanel”. Đúng vậy, ra đời từ thế kỷ 18, cho tới nay, denim vẫn là một trong những chất liệu được ưa thích nhất, chiếc quần ống đứng hơi côn với màu xanh lơ cổ điển vẫn được tìm mua nhiều nhất bất kể nó có biến tấu ra sao qua từng giai đoạn, và không thương hiệu nào, kể cả những cái tên xa xỉ bậc nhất dám “coi thường” denim.

Mùa thu đông sắp tới, nhà Chanel đã dùng vải tweed để may những mẫu váy cũng như áo khoác hoàn toàn theo tinh thần vintage với họa tiết thêu tay, đính đá và rải sequin cầu kỳ, vừa để tưởng nhớ Karl Lagerfeld, vừa để làm sống lại vẻ thanh nhã pha chút nổi loạn của những cô gái Paris thập niên 1980. Bên cạnh đó, nét đẹp vừa giản dị vừa kín đáo của thiếu nữ thị thành thập niên 1940 cũng được coi là một xu hướng lớn trong dịp cuối năm, được các nhà mốt như Miu Miu, Rodarte hay Marc Jacob lăng xê mạnh mẽ.

Thời trang mang tính chu kỳ rất cao, và việc các xu hướng cũ trở lại theo phong cách mới không còn là điều gây ngạc nhiên. Nhưng không thể phủ nhận một điều, công chúng luôn có một tình yêu khó lý giải dành cho nét đẹp của một thời xa vắng, và nếu nó được diễn giải theo tinh thần đương đại thì không còn gì tuyệt vời hơn thế.

Calvin Klein chẳng hạn, thường xuyên vào kho lưu trữ để tìm cảm hứng sáng tạo mới. Điều này đảm bảo nhà mốt này luôn tiến về phía trước, nhưng vẫn cho ra đời những sản phẩm mang tính kế thừa và tôn vinh di sản thương hiệu. Và dĩ nhiên, các fashionista là người được hưởng lợi nhiều nhất, bởi họ có thể sở hữu những mẫu trang phục vừa hợp mốt vừa mang bóng dáng của một kiệt tác vượt tháng năm.

Trường tồn theo tháng năm

Nếu một phong cách vẫn được coi là thời thượng qua nhiều thập kỷ thì hiển nhiên nó sẽ còn sống mãi. Những trang phục như vậy rất đáng đầu tư vì chúng luôn phổ biến theo một cách thức riêng, có thị trường riêng và lúc nào cũng khiến người mặc cảm thấy tự tin vì sự khác biệt của mình.

Và, chắc chắn rằng, những mẫu trang phục vintage hoặc retro luôn gợi lên những hoài niệm về một quãng thời gian nhất định, con người trong những năm tháng đó, khi mọi thứ trôi đi chậm rãi hơn, tự nhiên hơn, không có laptop và smartphone, cuộc sống thực sự diễn ra trong đời sống chứ không phải trên mạng xã hội.

Hãy thử tưởng tượng, một ngày trên bãi biển sẽ khác biệt thế nào nếu bạn được tung tăng thả dáng trên bãi cát trắng trong bộ đồ bơi cổ điển, nằm dài dưới tán ô xòe rộng và ngắm nhìn làn mây bay qua, không selfie, không post ảnh và không bình luận về người khác?

Cứ ngẫm mà xem, mọi xu thế hiện hành, từ denim tới vải tweed, từ giầy đế bệt tới áo breton, từ bohemian tới sọc tartan, từ chiếc áo poncho tới trench coat… chẳng phải tất cả đều lặp lại từ quá khứ hay sao? Những chiếc túi Birkin của Hermés qua hàng chục năm, kiểu dáng chẳng hề thay đổi nhưng vẫn làm xao xuyến trái tim của biết bao thế hệ fashionista trên toàn cầu. Tương tự vậy là chiếc áo dài của Việt Nam, bất kể được biến tấu ra sao, nét đẹp truyền thống của nó vẫn khiến cả thiên hạ phải trầm trồ thán phục.

Tại nhiều nước phương Tây, người ta không chỉ yêu các khuynh hướng thời trang vintage và retro, ngay cả quần áo và phụ kiện vintage (chủ yếu trong ba thập niên 1970, 1980 và 1990) cũng được săn lùng ráo riết. Lý do có rất nhiều, nhưng đầu tiên luôn là chất lượng của vải vóc và quy trình cắt may, tiếp theo là tính độc nhất vô nhị - hiển nhiên sẽ có rất, rất ít người sắm được những thứ tương tự, giúp người mặc tách biệt khỏi đám đông.

Một điều quan trọng nữa, là mỗi sản phẩm có thể mang trong mình một câu chuyện – như những chiếc khăn lụa của Hermès chẳng hạn, nó thường truyền lại từ mẹ sang con gái hoặc con dâu. Và giá trị của chúng thì khó mà đo đếm được bằng tiền…

Trong mọi lĩnh vực, những giá trị tồn tại qua thời gian luôn được trân trọng, và thời trang càng không ngoại lệ. Dù chưa bao giờ là xu hướng bao trùm lên một hay nhiều mùa mốt nhưng vintage và retro luôn nhận được sự ưu ái hết mực của cả các nhà tạo mốt lẫn công chúng, được sử dụng như một kho ý tưởng vô tận để từ đó tạo ra những sản phẩm mới, kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa cổ điển và cách tân, giữa truyền thống và những tư duy khai phóng.

Cho nên, vintage và retro sẽ tiếp tục sống mãi, tiếp tục được ngưỡng mộ và khai thác mãi trong vòng lặp vô tận của thời trang!

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, cảm giác hoài niệm (nostalgia) và những ký ức đẹp giúp cân bằng cảm giác bồn chồn trong tâm trí, nhất là khi phải đối mặt với khó khăn, trở ngại hay tương lai vô định.

THU NGỌC

Tin nổi bật