Theo trang SCMP, sinh ra tại Việt Nam nhưng sang định cư tại Đức từ năm 5 tuổi, công việc đầu tiên của ông Ngô Thế Đức là phụ bếp tại một nhà hàng sushi Nhật Bản. Ông đã tìm được niềm đam mê của mình vào giai đoạn này. Ít lâu sau, ông Thế Đức mở nhà hàng đầu tiên, kết hợp ẩm thực Nhật Bản và Peru rất độc đáo.
893 Ryotei, một nhà hàng Nhật Bản hiện đại nổi tiếng ở Berlin của đầu bếp Ngô Thế Đức. Ảnh: Marietta Arellano
Ở Đức, đầu bếp và chủ nhà hàng Ngô Thế Đức được biết đến với biệt danh trìu mến là "Lê Đức" hay "Vua của Kantstrasse" bởi sự nổi tiếng đến từ 7 nhà hàng do ông quản lý trên phố Kant ở phía tây Berlin. Tại đây, ông thường xuyên được nhiều người hâm mộ đến chào hỏi, bắt tay và chụp ảnh selfie cùng.
Charlottenburg là nhà hàng đầu tiên ông mở vào năm 1999, và quán mì Việt Nam "Madame Ngo" hiện do ông điều hành ở khắp Berlin và Frankfurt.
Ở tuổi 24, đầu bếp Ngô Thế Đức đã mở nhà hàng đầu tiên sau thời gian 4 năm thực tập tại một nhà hàng Nhật Bản địa phương. Vào thời điểm đó, nước Đức không có trường dạy nấu ăn các món ăn Nhật Bản, nhưng ông đã "phải lòng" ẩm thực Nhật Bản.
"Nghệ thuật của những người làm việc trong các nhà hàng Nhật Bản – đôi bàn tay ví như có phép thuật – và Nobu [Matsuhisa, đầu bếp nổi tiếng với ẩm thực Nhật Bản mà tôi gặp ở Peru] là thần tượng của tôi", ông chia sẻ.
Quán Kuchi phục vụ món sushi, ramen và yakitori mang hơi hướng phương Tây. Đây là một trong những nhà hàng đầu tiên ở Berlin phục vụ ẩm thực Nhật Bản và ông là đầu bếp đầu tiên không phải người Nhật trong thành phố.
"Tôi đã nghĩ chỉ sau vài năm kinh nghiệm, bản thân có thể làm tốt hơn. Tôi không nghĩ đến việc liệu mình có thành công hay không, không có lựa chọn nào khác. Tôi đã mạo hiểm mọi thứ", ông nói.
Và nhà hàng Kuchi đã thành công.
"Món ăn Nhật Bản lần đầu tiên đã đến Berlin vào những năm 1960 và 70, nhưng thời điểm này chúng tôi đã không đạt được thành công. Những người trẻ tuổi không muốn trả tiền cho những món ăn Nhật Bản hảo hạng. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu phục vụ món sushi ngon với giá cả hợp lý đầu tiên. Và đây là mô hình được nhiều nhà hàng ở Berlin sao chép hiện tại", ông chia sẻ.
Hành trình thành công từ thất bại
Bên cạnh đó, đầu bếp Ngô Thế Đức cũng đầu tư số tiền khổng lồ vào nhà hàng rộng 600m2 có tên là shirra I Hiro ở Rosa-Luxemburg-Strasse. Nhà hàng nổi bật với màu xanh nước biển và màu trắng sứ, được trang trí bằng những tác phẩm nghệ thuật bắt mắt.
Trong một thời gian, nhà hàng đã thu hút những người nổi tiếng như Mick Jagger, Sharon Stone và David Lynch nhưng chỉ sau ba năm, nhà hàng buộc phải đóng cửa.
"Mọi thứ thật tuyệt vời trong thời gian dài. Tôi mặc vest và thắt cà vạt, tuyển dụng những đầu bếp tài năng và một người quản lý xuất sắc. Nhưng nhà hàng quá lớn. Tôi đã mất tất cả số tiền kiếm được từ các nhà hàng khác sau khi công việc không thuận lợi", ông nói.
Sau khi nhà hàng Shiro I Shiro đóng cửa, ông đã dành 6 tháng đi du lịch khắp Mỹ và châu Á để tìm kiếm nguồn cảm hứng mới.
Trở lại Berlin, đầu bếp Thế Đức đã mặc lại bộ quần áo đầu bếp màu trắng một lần nữa. Ông bắt đầu nấu ăn tại một nhà hàng thời thượng ở địa phương, gặp nhiều người khác nhau – họ là những người cuối cùng trở thành đối tác kinh doanh của ông tại các nhà hàng mới.
Vào thời điểm hiện tại, ông có tới 7 nhà hàng trong thành phố với các đối tác khác nhau, trong đó có một địa điểm kết hợp ẩm thực Trung Quốc và Pháp, phục vụ các món ăn như thịt bò phi lê với nước tương ngọt và nấm cục.
Ông thường đưa ra các ý tưởng và để người khác biến chúng thành hiện thực.
"Tất cả các nhà hàng đều có những đầu bếp được đào tạo bài bản để biến những ý tưởng của tôi thành hiện thực. Những đầu bếp được đào tạo từng làm việc trong các nhà hàng nổi tiếng nhưng không thể nhìn xa trông rộng như tôi", ông nói.
Đáng chú ý là một nỗ lực khác về ẩm thực cao cấp. Cụ thể là Le Duc Salon hoạt động hai tuần một lần trong một căn hộ ở Kantstrasse, được đối tác nhà hàng của ông là Hyunjung Kim (tài năng nghệ thuật cũng là người đứng đằng sau nội thất của Hiro I Hiro) biến thành không gian nghệ thuật và sự kiện.
Ở đây, ông Ngô Thế Đức đã thử làm mới các món ăn, phục vụ khách tại bàn chung giống như đang dùng bữa tại nhà.
"Tôi chưa bao giờ có cơ hội nấu ăn theo cách tốt nhất có thể. Tôi phải tự rèn luyện và trong những năm đầu, tôi cố gắng kiếm tiền với tư cách là một đầu bếp trẻ, trong khi sau 10 năm, tôi đã tuyển dụng những đầu bếp giỏi, được đào tạo," ông nói.
Tại Lê Đức Salon, đầu bếp Ngô Thế Đức đã tìm cảm hứng từ các món ăn từ cội nguồn. Cụ thể là tự nấu những món ăn Đông Nam Á mang phong cách quốc tế. Các món ăn như sò điệp với mực, xoài và hẹ tây, cùng bánh mì kết hợp với gan ngỗng, tương ớt và mơ, hay món bồ câu nấu chín hoàn hảo hay phở bồ câu và món tráng miệng lấy cảm hứng từ cà phê sữa đá Việt Nam.
Ông kể rằng bản thân đã nhiều lần trở về Việt Nam. Họ hàng bên ngoại của ông vẫn ở Việt Nam.
Và ở Kantstrasse, ông vẫn là vua đầu bếp. Trong tương lai, đầu bếp Ngô Thế Đức đang hy vọng có thể đạt được những giải thưởng mới sau những cố gắng và nỗ lực của bản thân tại các nhà hàng. Theo tác giả bài viết Victoria Burrows, với cách nấu ăn xuất phát từ trái tim, chắc chắc giấc mơ danh hiệu gắn sao Michelin ở một nhà hàng nào đó của ông có thể sẽ đến vào một ngày nào đó trong tương lai./.