Facebook Twitter Google
Google

Logo

Thưởng thức dumpling vòng quanh thế giới

Dumpling là món ăn truyền thống xuất phát từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Điểm chung của các loại dumpling là chúng được làm từ một lớp vỏ bên ngoài với phần nhân được nhồi ở bên trong. 

Vỏ dumpling được làm từ bột mì, bột gạo, bột khoai mì hoặc các loại bột khác, tùy thuộc vào nền văn hóa và công thức cụ thể. 

Các loại nhân dumpling cũng đa dạng, gồm, thịt, hải sản, rau củ hoặc hỗn hợp của chúng. Dumpling có thể được hấp, chiên, nước tùy thuộc và cách nấu và khẩu vị của từng địa phương. Nó có thể được dùng như món chính, món ăn nhẹ, món ăn vặt hay món tráng miệng. 

Dưới dây là một trong số những loại dumpling phổ biến trên toàn thế giới mà CNN Travel đã tổng hợp:

Tiểu long bao (xiaolongbao)

Tiểu long bao được phục vụ trong lồng hấp bằng tre. Nó được gói nhỏ xinh và được túm lại ở phần đầu, không giống các loại bánh bao thông thường khác ở Trung Quốc. 

Ngoài nhân thịt lợn truyền thống, tiểu long bao còn có loại nhân súp thịt. Phần nước súp sẽ tan chảy trong miệng khi ăn nóng, mang đến hương vị thơm ngon, đậm đà khó quên. 

Bánh bao Ý (Ravioli)

Ravioli là một loại pasta bên trong có nhân (nhân phô mai, nhân thịt, nhân rau củ,…) cùng với lớp vỏ bánh được làm từ bột mì, trứng và sữa. Món ăn này được dùng kèm với nước sốt như sốt kem, sốt cà chua, sốt phô mai,…

Ngoài ra, hình dạng ravioli cũng rất đặc biệt vì có thể được làm hình tròn, hình tam giác, hình bán nguyệt, hình chữ nhật,… Thậm chí, ngoài việc thưởng thức cùng với nước sốt, thì ravioli còn được nướng hoặc tẩm bột chiên giòn, trở thành món khai vị hoặc món ăn vặt rất lạ miệng.

Hoành thánh Tứ Xuyên cay

Món hoành thánh Tứ Xuyên cay được ăn kèm với dầu ớt chưng mang hương vị hạt tiêu Tứ Xuyên và sốt dấm đen. 

Vỏ hoành thánh mềm kết hợp với vị ngọt thơm của thịt và nước sốt tê cay chắc chắn sẽ khiến bất kỳ ai thưởng thức đều không thể quên được hương vị đặc biệt này. 

Thịt bọc bột hấp Thổ Nhĩ Kỳ (Manti)

Từ Manti xuất phát từ Mantu, có nghĩa là bánh bao. Món ăn này là di sản ẩm thực của những bộ lạc du mục khi họ du lịch từ Trung Á tới Antolia, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. 

Loại bánh này sẽ được làm với nhân thịt cừu, thịt bò, chim cút hoặc thịt gà và được ăn kèm với sữa chua cùng gia vị với ớt đỏ và bơ tan chảy. 

Còn điều gì tuyệt hơn khi những miếng Manti tan trong miệng cùng với nước sốt sữa chua tỏi và gia vị cùng dầu ô liu. 

Ở một số nơi ăn chay, họ cũng thường sử dụng đậu xanh nghiền với thì là và ớt đỏ thái hạt làm nhân Manti. 

Bánh bao cá hấp Indonesia (Siomay)

Siomay là món bánh bao nhân cá truyền thống, ăn cùng khoai tây hấp, bắp cải, trứng, khổ qua và sốt đậu nóng. Đây là một trong những món ăn đường phố không thể bỏ qua khi đến với đất nước Indonesia.

Hoành thánh tôm Hồng Kông

Hoành thánh tôm là món điểm tâm nổi tiếng ở xứ Cảng Thơm. Nó còn được gọi là chāo shǒu (dịch ra là: Bắt chéo tay), nghĩa là món ăn được nhào nặn từ những bàn tay nghệ nhân đầy khéo léo. Đây là món ăn nhất định phải thử khi đến Hồng Kông. 

Hoành thánh tôm thường có lớp vỏ dầy với nhân tôm thịt đầy đặn. Nó được phục vụ với mỳ trứng hoặc dùng riêng với nước dùng được làm từ xương heo, cá khô và tôm khô. 

Bánh bao Ba Lan (Pierogi)

Vốn là một món ăn có nguồn gốc từ Nga du nhập vào Ba Lan trong thời kỳ Trung cổ. Pierogi dần được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người dân bản địa và trở thành món ăn tiêu biểu trong ẩm thực Ba Lan. 

Nhân bánh được làm từ hỗn hợp của pho mát, khoai tây, hành, bắp cải, nấm và thịt, sau đó sẽ được đem hấp hoặc chiên cho bánh chín. 

Bánh bột nhồi Ấn Độ (Modak)

Modak là món bánh ngọt truyền thống được các vị thần Hindu Ganesh yêu thích, vì vậy những người dân Ấn Độ thường dùng chúng để dâng lên thờ các vị thần.

Bánh modak có lớp vỏ màu trắng ngần được làm từ bột gạo hoặc bột mì trộn với khava hoặc bột maida. Phần nhân ngọt bên trong là dừa xào với đường thốt nốt tạo cảm giác ngọt thanh và dịu. Modak chiên hay hấp đều rất hấp dẫn.

Bánh bao Azerbaijan (Dushbara)

Dushbara là một món ăn giống như sủi cảo, ăn kèm với nước dùng đậm đà. Cách chế biến món ăn này khá cầu kỳ, với phần nhân được làm từ thịt cừu hoặc thịt bò băm nhỏ, được trộn với các loại thảo mộc và gia vị truyền thống, lớp vỏ bột bọc bánh được nhào kỹ và thêm một chút muối. 

Khi ăn, Dushbara được phục vụ nóng cùng với nước dùng thêm bơ và nhiều loại rau thơm. Dushbara không chỉ là một món ăn ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và vóc dáng.

Bánh bột nhồi Nga (Pelmeni)

Pelmeni là một loại bánh truyền thống phổ biến ở Nga và các nước Đông Âu. Pelmeni khá giống với món sủi cảo của Trung Quốc, bao gồm phần vỏ bánh mềm và nhân bánh bên trong. Phần vỏ bánh được làm bằng bột mì, sữa, trứng, muối. Phần nhân thì được làm từ hỗn hợp thịt lợn hoặc cừu, bò băm cho thêm hành, tỏi, muối, tiêu… trộn đều. 

Để nấu món ăn truyền thống Nga này, người ta sẽ đun sôi một nồi nước cùng với lá nguyệt quế rồi cho bánh vào. Bánh sau khi đã chín sẽ được vớt ra và dùng cùng với kem chua, nước tương, mù tạt cay, tiêu, váng sữa, cải ngựa hoặc giấm cũng rất phổ biến.

Bánh bột lọc Việt Nam 

Bánh bột lọc là món đặc sản của Việt Nam, có xuất xứ từ Huế. Bánh bột lọc thường được hấp hoặc luộc và được gói bằng lá chuối. Nếu gói bằng lá chuối, thì gọi là bánh bột lọc lá. Nếu không có lá chuối gói lại thì gọi là bánh bột lọc trần. 

Nhân bánh được làm từ tôm thịt tươi ngon và có thể có chút thay đổi tùy từng nơi. Sau khi được hấp chín, phần vỏ bánh sẽ trở nên trong suốt, lộ ra lớp nhân thịt bên trong hấp dẫn. 

Điểm đặc biệt nhất để tạo nên hương vị khác biệt chính là phần nước chấm. Công thức pha nước chấm chuẩn vị Huế sẽ bao gồm nước mắm, đường, tỏi ớt băm nhuyễn, được pha chế theo công thức riêng để tạo nên thứ nước chấm đặc biệt so với những nơi khác.

Bánh xếp Hàn Quốc (Mandu)

Bánh xếp hay mandu là một món ăn truyền thống của người Hàn Quốc từ thời xa xưa, món ăn này tương tự món Gyoza của người Nhật Bản hay gần gũi hơn là giống với món há cảo của Trung Quốc. Nhưng so với há cảo thì mandu có vỏ ngoài mỏng hơn.

Nếu được chia theo cách nấu, mandu sẽ được chia thành mandu chiên, mandu hấp và mandu nước. Do đó tùy cách nấu mà từng loại mandu sẽ có lớp vỏ bánh phù hợp.

Mandu dùng với một loại nước chấm riêng pha từ xì dầu và giấm. Thường được ăn kèm với kim chi. Khi chiên mandu sẽ giòn giòn, còn khi hấp thì mandu sẽ dai ngon khó cưỡng. Bánh xếp Hàn Quốc có thể dùng trong các món phổ biến như lẩu tokbokki, mì tương đen, các món mì... Ngoài ra bánh xếp còn được dùng làm món canh mandu, là món canh nấu cùng mandu và nước dùng bò.

Nhục viên Đài Loan (Bawan)

Món nhục viên được xem là quốc thực của Đài Loan. Nó là một chiếc bánh nhân mặn hình đĩa đường kính 6–8 cm với vỏ bánh trong mờ - có thể phần nào nhìn thấy nhân thịt bên trong, ăn kèm với nước chấm là xì dầu đặc. Nguyên liệu làm nhân bánh có thể thay đổi tùy theo địa phương ở Đài Loan, tuy nhiên thông thường nó được làm từ thịt lợn, măng và nấm hương. 

Bánh bao hấp Nepal (Momo)

Momo là một loại bánh bao hấp trong ẩm thực Tây Tạng và Nepal, cũng rất phổ biến ở nước láng giềng Bhutan và Ấn Độ. 

Momo thường được phục vụ với nước sốt gọi là achar - chịu ảnh hưởng của các loại gia vị và thảo mộc được sử dụng trong nhiều món ăn Nam Á.

Vỏ bánh được làm từ bột mì và một ít men. Nhân bánh trước đây thường chỉ có thịt, rau, đậu phụ… nhưng hiện nay người ta sẽ cho thêm phô mai hoặc khoai tây nghiền.

Sủi cảo Nhật Bản (Gyoza)

Là món ăn đặc trưng của Nhật Bản, Gyoza được biết đến với tên gọi sủi cảo Nhật Bản, có nguồn gốc từ Trung Quốc, phổ biến trong cộng đồng người Nhật ngang tầm với món mì ramen và cà ri Nhật Bản.

Phần nhân của Gyoza gồm thịt lợn băm, hành lá, bắp cải, hẹ Nira, nước tương, gừng, tỏi, dầu mè…

Gyoza được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng, áp chảo, hấp hay rán ngập mỡ.

Tuấn Anh

Tổng hợp